Những dự án ngàn tỷ đồng
Đầu tháng 4/2022, bà Chu Hui-lan, Chủ tịch Công ty BES Engineering Corporation (Đài Loan) đã làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng để xúc tiến hợp tác, đầu tư vào Đà Nẵng. Đây là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp, trực thuộc Tập đoàn Core Pacific - tập đoàn bất động sản lớn ở Đài Loan.
Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn WHA (Thái Lan) muốn mở rộng sự hiện diện tại miền Trung với đề xuất xây dựng Dự án KCN dọc Quốc lộ 14E. Tập đoàn này đã triển khai xây dựng KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An (huyện Nghi Lộc), với quy mô hơn 3.200 ha và tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nước ngoài liên tiếp đến miền Trung săn tìm dự án đầu tư KCN, cho thấy khu vực này nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, so với hai đầu đất nước, dư địa bất động sản công nghiệp ở miền Trung nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng còn lớn, nên có sức hút với các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong quý I/2022, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 9 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến 1.200 tỷ đồng.
Nhu cầu lớn, nên nhiều địa phương ở miền Trung đang chạy đua phát triển KCN mới để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tại Đà Nẵng, trong tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm - giai đoạn II. Dự án này có quy mô 119 ha, được bổ sung 1.019 ha để đạt quy mô 120.019 ha; vốn đầu tư dự kiến 2.233 tỷ đồng.
Còn tại Quảng Trị, địa phương này đã quyết định thành lập KCN Quảng Trị tại huyện Hải Lăng, với tổng diện tích 481,2 ha. Dự án do Công ty TNHH Liên doanh phát triển Quảng Trị làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 2.074 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, chính quyền tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án KCN Tam Thăng mở rộng, để bàn giao đất cho Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam (Hàn Quốc) trước ngày 30/6/2022.
Thêm KCN mới
Đi sau khu vực miền Nam và miền Bắc về phân khúc bất động sản công nghiệp, song những năm gần đây, miền Trung nhận được sự quan tâm hơn từ các “ông lớn” về phát triển KCN trong nước và nước ngoài. Theo số liệu tổng hợp, miền Trung hiện có khoảng 260 dự án KCN được đưa vào quy hoạch, với tổng quy mô lên đến 62.800 ha. Dẫu vậy, nhiều địa phương miền Trung đang muốn phát triển thêm KCN mới, bởi tỷ lệ lấp đầy tại các KCN hiện hữu rất lớn.
Chẳng hạn, TP. Đà Nẵng có 6 KCN tập trung, thì tổng tỷ lệ lấp đầy đã đạt 86,35%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN trên toàn quốc. Vì vậy, tổng diện tích còn lại có thể cung cấp cho các nhà đầu tư chỉ hơn 106 ha, rất ít so với nhu cầu.
Trước thực trạng đó, TP. Đà Nẵng định hướng đến năm 2030 tập trung phát triển 4 cụm công nghiệp; xây dựng 3 KCN mới là KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn và Hòa Cầm - giai đoạn II, với tổng vốn dự kiến hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Quảng Nam có 14 KCN, với tổng diện tích gần 3.677 ha. Trong đó, có 10 KCN đã đi vào hoạt động và 4 KCN đang triển khai. Đến nay, quỹ đất quy hoạch phát triển KCN của tỉnh gần như sử dụng hết.
Ban Quản lý các KCN và khu kinh tế Quảng Nam cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định Dự án đầu tư KCN cơ khí ô tô Chu Lai Thaco mở rộng với diện tích 115 ha, làm tiền đề hình thành Trung tâm Công nghiệp cơ khí - ô tô của miền Trung. Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN và khu kinh tế Quảng Nam cũng khảo sát, đề xuất 3 KCN mới, gồm: KCN Nam Thăng Bình (449,43 ha), KCN Bắc Thăng Bình (239 ha) và KCN Phú Xuân (108 ha) để bổ sung vào quy hoạch. Đồng thời, tỉnh dự kiến phát triển thêm 4.000 ha đất KCN tại các vị trí mới…
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Các KCN tạo động lực tăng trưởng lớn cho tỉnh, nhưng không vì thế mà Quảng Nam phát triển ồ ạt các KCN mới. Tỉnh xác định phát triển KCN xanh, sinh thái, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao”.
Dư địa lớn, cùng vời dòng vốn ngoại tìm đến ngày càng nhiều, bất động sản công nghiệp ở nhiều tỉnh miền Trung đang đứng trước cơ hội lớn.