Theo đó, từ ngày 07/03/2019, BIDV chính thức trở thành ngân hàng quản lý tài khoản ký quỹ và là ngân hàng thanh toán cho các giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng Việt Nam (MXV).
BIDV sẽ thực hiện các nghiệp vụ thanh toán cho các Giao dịch mua/bán hàng hóa thực hiện qua Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam bao gồm: Quản lý tài khoản tiền gửi ký quỹ của Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam và các thành viên; Cung cấp dịch vụ thanh toán đối với các giao dịch hàng hóa phái sinh mà Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam là đối tác bù trừ trung tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa MXV cho biết, việc ký kết không chỉ mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển của Sở, khi BIDV là một trong những ngân hàng tiên phong trong các hoạt động thanh toán và giao thương quốc tế với quy mô mạng lưới chi nhánh và điểm giao dịch lớn nhất trong nước cũng như có quan hệ hợp tác với hàng ngàn các định chế tài chính và tổ chức thanh toán quốc tế.
BIDV sẽ đảm bảo hoạt động thanh toán và giao dịch cho các nhà đầu tư
Việc hợp tác với ngân hàng không chỉ hướng tới đảm bảo cho việc giao dịch của các nhà xuất nhập khẩu, nhà đầu tư nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, minh bạch.
BIDV với bề dày kinh nghiệm cùng nền tảng công nghệ hiện đại, mạng lưới rộng khắp cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam trong việc tuyên truyền, quảng bá thông tin, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiếp cận với các hoạt động qua Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam một cách dễ dàng hơn.
Theo ông Quỳnh, mô hình giao dịch hàng hóa trực tuyến qua trung gian là các Sở giao dịch hàng hóa không còn xa lạ trên thế giới, và ngày càng nhận được sự quan tâm đông đảo của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư.
Cũng theo ông Quỳnh, kể từ ngày 09/04/2018 đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam khi Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28.12.2006 quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch Hàng hóa.
Với nhiều thay đổi mang tính mở cửa, đặc biệt là cơ chế liên thông quốc tế, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) trở thành tổ chức giao dịch hàng hóa tập trung cấp quốc gia, với quy mô hoạt động toàn quốc, đa dạng hóa mặt hàng hóa giao dịch từ cà phê, lúa mỳ đến các sản phẩm năng lượng, thậm chí cả các kim loại nặng, và cả kim loại quý trong tương lai.
"Với các nền tảng công nghệ đã tương đối hoàn thiện, hoạt động giao dịch hàng hóa qua Sở đang và sẽ thu hút mạnh mẽ hơn nữa từ cả nhà đầu cơ, quỹ đầu tư phòng vệ cùng người mua và người bán. Điều này sẽ góp phần tạo ta những thay đổi to lớn với hoạt động giao dịch và thông thương quốc tế tại Việt Nam" ông Quỳnh nhấn mạnh.
Được biết hiện nay, Sở giao dịch sẽ tập trung cung cấp cho nhà đầu tư Việt Nam các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến các hợp đồng tương lai, kỳ hạn, quyền chọn, hoán đổi đối với các hàng hóa. Các dịch vụ nền tảng là môi giới hàng hóa vật chất, giao nhận, kiểm định hàng hóa, thanh toán bù trừ, tư vấn đầu tư, tài trợ thương mại.