Theo đó, sau kiểm toán, CII cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2020 của công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất đạt 253,9 tỷ đồng, giảm 39,4 tỷ đồng tương ứng giảm 13% so với trước kiểm toán.
Doanh nghiệp cho biết nguyên lợi nhuận “bốc hơi” sau kiểm toán do ghi nhận bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp do tăng doanh thu tính thuế của dự án bị áp giá thuế theo giá thị trường; điều chỉnh tăng chi phí lãi vay phân bổ vào dự án; và điều chỉnh tăng giá vốn của công ty con.
Sau kiểm toán, năm 2020 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 5.374,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 472 tỷ đồng, lần lượt tăng 196,4% và 2,9% so với thực hiện trong năm 2019. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 31,5% về chỉ còn 21,3%.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, doanh nghiệp còn ghi nhận dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm kỷ lục 1.393,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 135,2 tỷ đồng. Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, doanh nghiệp huy động từ hoạt động tài chính dương 1.916,3 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là vay nợ ròng từ phát hành trái phiếu.
Trong năm 2020, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đã tăng 19,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 2.734,6 tỷ đồng và chiếm 56,1% tổng nguồn vốn. Được biết, cuối năm 2019 tỷ lệ nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên tổng nguồn vốn chỉ chiếm 47,4%.
Trước đó, trong năm 2021, CII đặt kế hoạch tổng doanh thu 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 615 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận năm 2021 dự kiến tăng 14,3% so với thực hiện trong năm 2020.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thông qua kế hoạch trả cổ tức 14%. Trong đó, cổ tức 2% cho năm 2019 và 12% cho năm 2020, tương ứng 1.400 đồng/cổ phiếu và ủy quyền Chủ tịch HĐQT quyết định cụ thể thời điểm chốt và thời điểm thanh toán.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/3, cổ phiếu CII tăng 600 đồng lên 24.000 đồng/cổ phiếu.