Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao với vốn lên tới 24.500 tỷ đồng

(ĐTCK) CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII - sàn HOSE) vừa công bố việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao (kết hợp với chỉnh trang đô thị) xuyên tâm TP.HCM theo hình thức PPP.
Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) lên kế hoạch nghiên cứu đầu tư tuyến đường trên cao với vốn lên tới 24.500 tỷ đồng

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 14 km với điểm đầu là đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tới các nút giao tại: vòng xoay Lăng Cha Cả (cuối đường Cộng Hòa). Nút giao Võ Văn Kiệt, nút giao quận 4, nút giao quận 8 và điểm cuối là đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất nghiên cứu, CII sẽ đệ trình các cơ quan nhà nước có thểm quyền để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư PPP theo quy định.

Trước đó, trong đại hội đồng cổ đông năm 2020, doanh nghiệp đưa ra hai kịch bản tài chính. Kịch bản thận trọng, đặt mục tiêu doanh thu 5.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 808 tỷ đồng, kịch bản khả quan thì doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận có thể đạt 1.608 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tiếp tục lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, dự kiến phát hành 1,24 triệu trái phiếu kèm chứng quyền cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 200:1, cổ đông sở hữu 200 cổ phiếu được quyền mua 1 trái phiếu, tổng số tiền dự kiến huy động là 1.239,2 tỷ đồng.

Nếu phát hành cho cổ đông hiện hữu dưới 800 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chào bán riêng lẻ 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn lên kế hoạch phát hành 160 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cp nhằm dự phòng nguồn trả nợ.

Theo điều kiện và điều khoản của chứng quyền, mỗi trái phiếu được nhận một chứng quyền, một chứng quyền được mua 38,75 cổ phần CII với giá mua cổ phần khi thực hiện chứng quyền theo công thức định sẵn. 

Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, CII liên tục đẩy mạnh đầu tư làm dòng tiền đầu tư âm liên tục, năm 2016 âm 1.681,6 tỷ đồng, năm 2017 âm 998,8 tỷ đồng, năm 2018 âm 2.551,2 tỷ đồng, năm 2019 âm 1.045,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính năm 2016 âm 430,1 tỷ đồng, năm 2017 âm 608,3 tỷ đồng, năm 2018 dương nhẹ 715,6 tỷ đồng, năm 2019 dương 135,2 tỷ đồng.

Tính báo cáo quý 1/2020 dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư đều âm lần lượt là 365,6 tỷ đồng và 138,5 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp trong nhiều năm trở lại đây liên tục đầu tư nhưng dòng tiền kinh doanh chính vẫn chưa về và đang gặp áp lực dòng tiền đáo hạn nợ, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các dự án thâm hụt vốn kéo dài.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục