Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu chủ yếu để trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Mã chứng khoán CII - sàn HOSE) thông qua kế hoạch phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu chủ yếu để trả nợ

Mục đích, Công ty dùng 265 tỷ đồng thanh toán gốc vay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng vào quý IV/2021; 100 tỷ đồng hợp tác đầu tư dự án xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1; và 135 tỷ đồng hợp tác đầu tư dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội với CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội.

Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 3 năm, lãi suất cố định, dự kiến không vượt quá 10,5%/năm.

Mới đây, CII thông báo tới nhà đầu tư ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh. Trong đó, đối với hoạt động thu phí giao thông, CII đã thực hiện dừng thu phí theo đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc dừng thu phí tuy không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp ến doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021.

Đối với hoạt động bất động sản, việc thực hiện giãn cách và dừng thi công các công trình xây dựng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản của CII. Do vậy, việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.

CII nhấn mạnh: “Các khó khăn khách quan nói trên và việc bắt buộc phải hạch toán các chi phí quản lý, chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại theo chuẩn mực kế toán, đã ảnh hưởng lớn đến việc hạch toán lợi nhuận của CII trong năm 2021”.

Áp lực lãi vay 17.500,7 tỷ đồng

Trong nhiều năm trở lại đây, CII liên tục thực hiện chiến lược tăng vay nợ để tài trợ cho hoạt động mở rộng kinh doanh. Tính tới 30/6/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng thêm 5,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 922,5 tỷ đồng lên 17.500,7 tỷ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản.

Đáng chú ý, doanh nghiệp đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng 1 năm là 874,6 tỷ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050,3 tỷ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới 17.500,7 tỷ đồng.

Như vậy, với việc hoạt động thu phí BOT bị ảnh hưởng, cũng như hoạt động bất động sản bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào Công ty. Trong khi đó, Công ty vẫn chịu áp lực trả lãi vay và các khoản nợ vay tới hạn trong vòng 1 năm tới.

Xét về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.032,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 80,2% và giảm 72,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Xét về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 802,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 903,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 139,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 899,4 tỷ đồng (doanh nghiệp chủ yếu tăng vay nợ dẫn tới dòng tiền tài chính dương). Như vậy, doanh nghiệp đã gia tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính trong kỳ.

Trước đó, trong năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm kỷ lục 1.393,9 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/9, cổ phiếu CII đóng cửa giá tham chiếu 17.900 đồng/cổ phiếu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục