Đầu tư hạ tầng CNTT ngành tài chính: làm sao để tránh lãng phí?

(ĐTCK-online)Sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành tài chính trong thời gian qua là điều không còn mới. Tuy nhiên, làm thế nào để nguồn vốn đầu tư này phát huy tối đa hiệu quả, đúng theo mong ước của giới kinh doanh tài chính, là mối quan tâm của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, CNTT Việt Nam.
Thị trường CNTT cho ngành tài chính -  chứng khoán có tiềm năng lớn. Thị trường CNTT cho ngành tài chính - chứng khoán có tiềm năng lớn.

Theo các chuyên gia CNTT, thị trường CNTT cho ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán có tiềm năng rất lớn. Bởi vì nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này của các ngân hàng, công ty tài chính là rất lớn, khi họ nhận ra rằng, mình đang tụt hậu khá xa so với thế giới và CNTT chính là “vũ khí” để tăng năng lực cạnh tranh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, để ứng dụng CNTT vào hoạt động tài chính có hiệu quả, cần thực hiện lộ trình bốn bước: hoạch định hướng đi, lựa chọn công nghệ; đầu tư phát triển phần mềm, phần cứng; đầu tư cho nhân lực và nghiên cứu khoa học; ban hành các cơ sở pháp lý.

Mới đây, NHNN triển khai giai đoạn 2 Dự án Hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán, với tổng vốn đầu tư lên đến 112 triệu USD. Động thái này cho thấy, số tiền đầu tư cho lĩnh vực công nghệ tài chính - ngân hàng quả là không nhỏ. Trong thực tế, đã xuất hiện xu hướng đầu tư hiện đại hóa ngân hàng với số vốn lớn, nếu không muốn nói là phát sinh cuộc chạy đua cạnh tranh công nghệ theo hướng “mỗi ngân hàng, công ty tài chính tự đầu tư một hệ thống công nghệ riêng”, mà thiếu tính tương thích. Hậu quả là, chỉ riêng lĩnh vực thẻ thanh toán ATM, tồn tại đến 3 hệ thống công nghệ trên cả nước, mà vốn đầu tư mỗi hệ thống không nhỏ. Trong khi đó, thiết bị, công nghệ luôn trong xu hướng thay đổi, nâng cấp và cải tiến, nhanh mất giá. Các thiết bị CNTT có tuổi thọ rất thấp, chỉ sau một vài năm đã không còn tương thích với những phần mềm mới. Tình trạng các dự án tin học cũng vậy, từ khi mở thầu thiết bị đến khi lắp đặt và bàn giao (thường từ một năm trở lên), giá thiết bị chỉ còn một nửa.

Do vậy, theo ông Hoàng Minh Châu, Phó tổng giám đốc FPT, tài chính là một lĩnh vực nhạy cảm, thông tin tài chính - ngân hàng là tài sản vô giá. Vì vậy, khi ứng dụng CNTT vào hoạt động, vấn đề bảo mật, an ninh, an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, một vấn đề đang làm chậm tiến trình tự động hóa hoạt động ngân hàng là cơ sở pháp lý chưa được điều chỉnh đầy đủ và kịp thời. Mới đây, Luật Giao dịch điện tử đã được thông qua, nhưng hệ thống văn bản dưới luật thì chưa được ban hành.

Mặt khác, nhiều ngân hàng tuy được đầu tư công nghệ khá hiện đại, nhưng chất lượng dịch vụ vẫn còn thấp, kém tiện lợi, đơn điệu về hình thức, nên hiệu quả chưa cao. Các đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng cũng chưa đưa ra các dịch vụ trọn gói, có tính tích hợp cao. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý chưa thực sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Để đầu tư CNTT một cách hiệu quả nhất cho ngành tài chính, việc cần làm ngay là hợp nhất chuẩn công nghệ, xây dựng và công bố lộ trình phát triển cho hệ thống ngân hàng, công ty tài chính - chứng khoán thành viên để kịp triển khai. Trong đó, xây dựng một cơ sở dữ liệu chung là việc làm không thể thiếu. Có như thế, việc đầu tư mới tránh được lãng phí như hiện nay.

Bảo Minh
Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục