Đầu tư gần 79.000 tỷ đồng phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025

Trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%/năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 5/8/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.

Đồng thời, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao.

Góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người làm nghề rừng. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Nghị quyết cũng đưa ra các nội dung ưu tiên như bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển. Cụ thể, đầu tư bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; đầu tư trang thiết bị bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng; hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp cho các đơn vị, địa phương có vùng nguyên liệu tập trung, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cây lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghiệp chế biến, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Hỗ trợ đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn và theo quy định của pháp luật.

Tổng mức vốn thực hiện Chương trình dự kiến là 78.850 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước 13.720 tỷ đồng, chiếm 17,4% và các nguồn vốn hợp pháp khác 65.130 tỷ đồng, chiếm 82,6%.

Chương trình thực hiện trong 5 năm từ năm 2021-2025.

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục