Đầu tư công và cách gỡ "xin - cho"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Luật Đầu tư công là bước đột phá về thể chế trong quản lý đầu tư công, góp phần quan trọng chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Đầu tư công và cách gỡ "xin - cho"

Ông nói Luật Đầu tư công là bước đột phá về thể chế. Vậy “bước đột phá” nằm ở chỗ nào?

Luật này nếu được thông qua sẽ tác động mạnh mẽ tới quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, xiết chặt kỷ luật, kỷ cương; khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư.

Đây là cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; đáp ứng việc thực hiện cam kết với các đối tác về minh bạch, chuẩn mực trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

 

Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng, Luật Đầu tư công sẽ chấm dứt được tình trạng thất thoát, lãng phí, nên cho rằng, Dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu này?

Luật Đầu tư công chỉ góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đừng đặt vấn đề Luật Đầu tư công phải làm cả nhiệm vụ chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, vì Luật chỉ điều chỉnh khâu lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, thực hiện, theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Còn để chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì phải thực hiện đồng bộ các luật khác, như Luật Ngân sách nhà nước; Luật Xây dựng; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý nợ công; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Đất đai...

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định, Luật Đầu tư công, nếu được thông qua sẽ hạn chế tối đa đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Ông bình luận thế nào về nhận định này?

Luật này xử lý ở khâu đầu vào trong quá trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước... trong đầu tư. Chính vì vậy, Luật hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, qua đó góp phần quan trọng trong việc chống lãng phí sử dụng nguồn lực công để đầu tư.

 

Và Luật Đầu tư công cũng chấm dứt được tình trạng nhiều địa phương cứ ứng vốn, vay vốn để đầu tư, sau đó đi xin vốn từ ngân sách trung ương như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mới phát biểu trước Quốc hội, thưa ông?

Chắc chắn, tình trạng ngân sách trung ương phải “chạy theo” để bố trí vốn cho các công trình, dự án mà địa phương “lỡ” đầu tư sẽ chấm dứt. Bởi Luật Đầu tư công quy định rất rõ về sự công khai, minh bạch trong nguyên tắc, tiêu chí xác định, lựa chọn danh mục dự án đầu tư công; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công theo từng nguồn vốn; kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm theo từng nguồn vốn…

 

Nhưng liệu có chấm dứt được tình trạng lãnh đạo trung ương về địa phương làm việc đều hứa sẽ đầu tư công trình nọ, dự án kia không?

Dự thảo Luật Đầu tư công đã quy định minh bạch kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm theo từng nguồn vốn, nên các địa phương muốn xin cũng không được, lãnh đạo Trung ương muốn hứa cũng không được vì mọi nguồn vốn đã được phân bổ theo kế hoạch trung hạn 3-5 năm, nên không còn vốn để xin, không còn vốn để hứa.

Mạnh Bôn thực hiện (baodautu.vn)
Mạnh Bôn thực hiện (baodautu.vn)

Tin cùng chuyên mục