Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, năm 2021 tỉnh có 30 dự án được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 với tổng số là 3.633 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị giải ngân đến 31/7 chỉ đạt hơn 288 tỷ đồng. Dự kiến khả năng giải ngân đến 30/9 đạt 1.570 tỷ đồng, đến 31/12/2022 đạt 2.898 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, việc giải ngân chậm do tính hệ thống, tồn tại trong nhiều năm. Bên cạnh đó, do giải phóng mặt bằng chậm; năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành chưa quyết liệt, triệt để…
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Dương đã giao là 8.909 tỷ đồng, phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Đến ngày 31/7, Bình Dương đã giải ngân được 2.952 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 33,1%; khả năng giải ngân đến 30/9 là 4.551 tỷ đồng, ước giải ngân cả năm 2022 là 7.194 tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch.
Trong 7 tháng của năm 2022, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao là Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn (69,9%); UBND Thành phố Thủ Dầu Một (62,8%); UBND huyện Dầu Tiếng (60,7%), UBND Thị xã Bến Cát (48,5%).
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2022 vẫn còn 15 đơn vị của Bình Dương chưa giải ngân được.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, nguyên nhân chậm giải ngân trong 7 tháng của năm 2022 do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiến độ thi công dự án. Từ đầu năm nay giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.