Đầu tư công sẽ lan toả mạnh hơn tới thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2024, hiệu ứng từ đầu tư công với các lĩnh vực, ngành nghề khác có thể sẽ tăng đáng kể, do bối cảnh đã có nhiều thay đổi.
Năm 2024, đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn cho thị trường bất động sản Năm 2024, đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn cho thị trường bất động sản

Lực đẩy sẽ mạnh hơn

Ông Trung Kiên, người sáng lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam Holdings Inc cho rằng, không chỉ năm 2024, mà trong nhiều năm tới, đầu tư công vẫn sẽ là một trong những động lực tăng trưởng trọng yếu của nền kinh tế, từ đó có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác.

Theo ông Kiên, năm 2023, do nhiều yếu tố như kinh tế còn khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, cộng đồng doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, nên tính lan toả của đầu tư công chưa được như kỳ vọng. Năm 2024, sau giai đoạn tích luỹ và bối cảnh thuận lợi hơn nên tính lan toả của đầu tư công sẽ mạnh hơn, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng.

“Việt Nam lấy chính sách hạ tầng để lan toả cho các ngành nghề, lĩnh vực, nên với việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, thị trường bất động sản sẽ có những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn”, ông Kiên nói.

Trong môi trường lãi suất giảm mạnh, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm, ông Kiên nhận định, năm 2024 có thể chứng kiến nhiều doanh nghiệp thực hiện tăng vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đánh giá cao triển vọng hồi phục của thị trường địa ốc nhờ lực đẩy từ đầu tư công.

“Bất động sản năm 2023 là lĩnh vực khá trầm lắng, tuy nhiên, các điều kiện mới cho thấy, thị trường hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một giai đoạn phục hồi rõ nét hơn từ năm 2024”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ước tính của nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, năm 2023, đầu tư công đóng góp khoảng 1% vào mức tăng trưởng GDP. Trong đó, các dự án giao thông quan trọng được giải ngân vốn mạnh trong năm qua bao gồm Cao tốc Bắc Nam phía Đông (32.500 tỷ đồng), hoàn thiện Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (10.800 tỷ đồng), chi bồi thường giải phóng mặt bằng Vành đai 4 - Hà Nội và Vành đai 3 - TP.HCM (19.800 tỷ đồng).

VDSC đánh giá, điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là lĩnh vực giao thông, quốc phòng. Tỷ phần giải phóng mặt bằng chiếm trung bình 24% trong tổng quy mô vốn các dự án trọng điểm, khoảng 60% cho tỷ phần xây dựng. Nhiều dự án trọng điểm có kế hoạch khởi công trong nửa cuối năm 2024 nên hoạt động xây dựng, thi công các công trình sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm nay. Quy mô đầu tư công ở các đầu tàu kinh tế như Hà Nội và TP.HCM có thể đạt mức tăng trưởng 19%.

Bất động sản hưởng lợi

Nói về động lực từ đầu tư công, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, quỹ đất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM dường như đã cạn. Song vừa qua, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công vào cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh. Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia. Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai. Đặc biệt, năm 2024, thị trường sẽ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận và dư địa mở rộng cho tăng trưởng kinh doanh bất động sản.

Thông tin từ Bộ Tài chính tại Văn bản số 14447/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho thấy, giá trị thanh toán năm 2023 ước đạt 579.848,8 tỷ đồng, bằng khoảng 73,5% kế hoạch.

Tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024” mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024 đó là phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tiếp tục đưa vốn đầu tư công là “vốn mồi” để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 5.000 km đường cao tốc; phát triển hạ tầng đường sắt, hệ thống cảng biển, các tuyến kết nối để hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục