Đầu tư công, lực đẩy thị trường địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Chính phủ tăng tốc triển khai các dự án hạ tầng giao thông bên cạnh lãi suất ở mức thấp được kỳ vọng sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản sớm hồi phục một khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đường vành đai 2 trên cao tại Hà Nội với nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Dũng Minh Đường vành đai 2 trên cao tại Hà Nội với nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Dũng Minh

Lực đẩy hạ tầng…

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do dịch Covid-19 bùng phát trên nhiều địa phương nên trong tháng 7/2021, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước giảm so với tháng trước đó, nhưng tính chung cả 7 tháng vẫn đạt 210.800 tỷ đồng, bằng 44,3% kế hoạch năm 2021 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại 7 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, giá trị đầu tư công 7 tháng qua tăng 5,6% trên nền tăng cao của năm 2020 là rất tích cực.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc tạo lập các cơ chế khơi thông nguồn vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả cũng như tiến độ giải ngân. Việc Chính phủ xác định giải ngân vốn đầu tư công như một giải pháp ưu tiên, bệ đỡ thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn do tác động của làn sóng Covid thứ tư, theo chuyên gia này, là quyết định rất đúng đắn và có ý nghĩa lớn đối với tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm nay và xa hơn.

Không chỉ ban hành chính sách, giải pháp, mà khâu tổ chức thực hiện cũng rất quyết liệt khi trong tháng 7/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2021-2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Bên cạnh tác động trực tiếp, hiệu ứng lan tỏa còn mạnh mẽ hơn khi việc giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài nhà nước (bao gồm khối tư nhân và khối FDI), cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.

Kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021-2025 công bố hồi đầu năm nay là 2,5 triệu tỷ đồng đã được nâng lên 2,87 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5/2021, tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn 5 năm trước. Riêng năm 2021, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là gần 600.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng để giải quyết các dự án trọng điểm, hiệu quả. Trong đó, nhiều dự án cơ sở hạ tầng như các tuyến Metro, Cảng hàng không Long Thành… ở phía Nam hay các trục đường vành đai mới ở Hà Nội đang được chờ đợi, bởi không chỉ cởi trói cho các nút giao thông vốn đã quá tải trong vài năm gần đây, mà còn tạo động lực phát triển nhiều ngành khác, đặc biệt là xây dựng - bất động sản.

Chẳng hạn, sau thời gian dài chờ đợi, Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đây đã khởi công phân khu tái định cư và giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết, đến tháng 10/2021 sẽ đảm bảo bàn giao 1.800 ha đất sạch để phục vụ giai đoạn 1 của sân bay, phần diện tích còn lại sẽ được thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ cho chủ đầu tư vào năm 2022.

Hay như tại tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tính đến cuối tháng 4/2021, tổng khối lượng hoàn thành toàn tuyến đã đạt hơn 40% và các nhà thầu đang phấn đấu để thông tuyến vào cuối năm nay.

Là trung tâm kinh tế của cả nước, TP.HCM cũng ráo riết đẩy mạnh các dự án hạ tầng, coi đó như một động lực dài hạn. Trong quý II/2021, khi tình hình dịch bệnh chưa quá phức tạp, địa phương này đã khởi công 15 dự án giao thông mới, bên cạnh 10 dự án đã khởi động trong quý đầu năm, trong đó có khá nhiều dự án quan trọng được giới đầu tư chờ đợi từ lâu.

Đơn cử như sự kiện khởi công cầu Mỹ Thủy 3 (thuộc nút giao thông Mỹ Thủy - Cát Lái), triển khai hạ tầng tại 9 lô đất ở Thủ Thiêm. Ở khu Nam, dự án được mong chờ nhiều năm nay là hầm chui nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh được khởi công vào cuối tháng 4/2021, còn dự án giải quyết ngập do triều cường trị giá gần 10.000 tỷ đồng được đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành 78% tổng khối lượng công việc.

Đặc biệt, dự án metro tỷ đô Bến Thành - Suối Tiên mới đây hoàn thành nhà ga ngầm trước chợ Bến Thành, đã kết nối thông suốt toàn tuyến và theo Ban quản lý, toàn bộ dự án hiện đạt 72% tiến độ, dự kiến khai thác vào cuối năm 2021.

Một dự án giao thông trọng điểm khác tại TP.HCM vốn từng gây nhiều thất vọng vì chậm trễ quá lâu là đường vành đai 3 mới đây đã nhận được tin vui khi Thủ tướng Chính phủ bật đèn xanh để vay 190 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Số tiền huy động được sẽ được dùng để hoàn thành đoạn từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch với tổng chiều dài 34,2 km. Hiện tuyến vành đai 3 chạy qua 4 tỉnh TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Long An chỉ mới đưa vào sử dụng đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn trên địa phận tỉnh Bình Dương.

… đánh thức thị trường địa ốc

Ông Vũ Ngọc Quang, chuyên gia tới từ SSI Research nhấn mạnh rằng, động lực từ hoạt động giải ngân đầu tư công với nhiều dự án hạ tầng giao thông cơ sở trọng yếu là yếu tố có ảnh hưởng quan trọng tới thị trường bất động sản trong cả hai đầu cung - cầu.

Nguyên tắc “hạ tầng đến đâu, bất động sản bật dậy đến đấy” chưa bao giờ sai, đồng thời, hàng trăm ngàn tỷ đồng đầu tư công chắc chắn sẽ khiến sức cầu bất động sản được “thơm lây”. Chưa kể, “cú huých từ dòng vốn đầu tư giải ngân đầu tư công sẽ kéo theo dòng tiền từ nhiều nguồn chảy vào thị trường, đặc biệt là dòng vốn ngoại”, ông Quang nhận định.

Mạnh mẽ hơn, báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định rằng, đầu tư công sẽ là đầu kéo khả thi nhất cho toàn bộ nền kinh tế giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Đây là hoạt động đầu tư mà Chính phủ có thể chủ động thúc đẩy, có tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, từ bất động sản, vật liệu, hạ tầng, cho đến việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Trao đổi tại cuộc tọa đàm trực tuyến do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup cũng cho rằng, dịch bệnh đang là rào cản lớn cho sự phát triển của thị trường địa ốc nên cần có những cú “huých” mạnh mẽ để thị trường này sớm trở lại, mà một trong số đó là hoạt động đầu tư công. Đặc biệt, theo ông Phiên, chỉ cần nhìn vào kế hoạch đầu tư công và những động thái thúc đẩy rốt ráo của Chính phủ cũng đã là một yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên, cũng như cơ hội đa dạng hóa danh mục sản phẩm bất động sản ở những khu vực mà các dự án hạ tầng lớn đang vươn tới.

Ở một góc nhìn khác, đại diện Công ty Tư vấn Cushman & Wakefield cho biết, tại thời điểm thử thách này, cùng với đầu tư công, Chính phủ đang có cơ hội tốt để biến lĩnh vực bất động sản thành một trong những động lực tăng trưởng. Đơn cử như đối với khu vực miền Nam, việc hoàn thành một cách đồng bộ các đường vành đai trong và ngoài, kết nối các cảng và khu công nghiệp bằng việc gỡ các nút thắt giao thông nhanh chóng sẽ tạo sức bật mới cho toàn vùng, trong đó huy động nguồn lực đầu tư tư nhân trực tiếp đổ vào các dự án hạ tầng và bất động sản theo mô thức hai bên cùng có lợi sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường này.

Một bài học thành công vẫn được nhắc đến là trường hợp của Quảng Ninh khi địa phương bắt tay cùng Tập đoàn Sun Group và nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn khác triển khai đồng bộ các dự án, từ công trình sân bay, bến du thuyền, đến đường cao tốc chất lượng cao. Theo Cushman & Wakefield, mô hình tương tự có thể được áp dụng cho các hệ thống giao thông công cộng bằng việc đầu tư vào các giải pháp vận chuyển liên hợp hiệu quả, bao gồm đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt và nâng cấp các tuyến đường đi vào nội thành. Mô hình này sẽ giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng đang cản trở sự phát triển nền kinh tế và kéo gần khoảng cách giữa các địa phương, giúp thị trường bất động sản có tính chất liên vùng hơn.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục