Bà Hà Kim Nga, chuyên gia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, một trong những biện pháp cần tiếp tục phải làm bên cạnh các chính sách tiền tệ, tài khoá, là chính sách kiểm soát đầu tư của tập đoàn kinh tế nhà nước, thay vì các kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ đang được một số ý kiến nhắc tới. Bà Nga cũng lo ngại về những khó khăn có thể sẽ nặng nề hơn vào năm tới, nếu như lạm phát không được kiểm soát tốt. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đó là hiệu quả đầu tư công chưa tương xứng với phần tăng thêm của nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Trong số 27% tổng vốn đầu tư xã hội đầu tư vào hạ tầng, khu vực đầu tư nhà nước chiếm 38%. Tuy vậy, thực tế cho thấy, tình trạng ách tắc cầu cảng, thiếu điện, cơ sở hạ tầng đô thị xuống cấp vẫn trầm trọng. Nút thắt này của nền kinh tế đang bị lo ngại sẽ tăng lên khi các dự án sản xuất thép quy mô rất lớn vừa được cấp phép đi vào triển khai do nhu cầu lớn về năng lượng của các dự án này. Ở đây, bài toán đầu tư và hấp thụ có vẻ vẫn chưa có được lời giải hợp lý.
Tính về hiệu quả dựa trên tỷ lệ doanh thu trên tài sản cố định, khu vực doanh nghiệp nhà nước ở mức thấp hơn khu vực khác, với tỷ lệ 1,79 so với 3,76 của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp nhà nước vẫn tăng cao, chiếm tới 50% giá trị tài sản cố định tăng thêm hàng năm của tất cả các doanh nghiệp. Còn số lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang giảm đi. Trong hai năm 2005 - 2006, tổng số lao động cắt giảm của khu vực này khoảng 344.000 người.
Đây là một trong những lý do dẫn đến hệ số ICOR của Việt Nam hiện ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lý do hay được viện dẫn là do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển hạ tầng chỉ là một phần và không đủ để khoả lấp cho chất lượng đầu tư không cao. Riêng với đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước, vai trò của Nhà nước với vị trí chủ sở hữu chưa được thực hiện tốt. Khoảng trống này đã tạo cơ hội cho một số vị trí lợi dụng quyền được giao để xen mục tiêu nhóm hoặc mục tiêu cá nhân vào. Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia kinh tế cho là một trong những nguyên nhân căn bản của tình trạng dàn trải, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Trong bối cảnh hiện nay, "liệu cơm gắp mắm" trong đầu tư nhà nước là điều được khuyến nghị tiếp tục làm tốt. Không chỉ dừng lại ở các công trình, mục tiêu ưu tiên, các chuyên gia kinh tế cũng nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan trong hoạt động đầu tư công. Điều đáng nói là trong báo cáo kiểm toán hàng năm với khu vực doanh nghiệp nhà nước, những lỗi cố hữu vẫn được nhìn thấy. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thiếu công tác giám sát, đánh giá nghiêm túc về chất lượng đầu tư nhà nước, thiếu cơ chế minh bạch trong công tác quản lý thì chất lượng đầu tư nhà nước cũng sẽ khó có thể cải thiện sau các chương trình cắt giảm đầu tư công mà Chính phủ đang rốt ráo thực hiện.