Đầu tư có trách nhiệm: Không thể đứng ngoài dòng chảy lớn

(ĐTCK) Tính tới tháng 6/2019, 2.450 tổ chức đầu tư với tổng giá trị tài sản quản lý đạt 82.000 tỷ USD đã cam kết tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào quyết định đầu tư của mình, theo số liệu cập nhất mới nhất của UNPRI.
Đầu tư có trách nhiệm: Không thể đứng ngoài dòng chảy lớn

Sức mạnh không thể đảo ngược

Đầu tư có trách nhiệm, đầu tư bền vững (đưa các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị - ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư) đã trở thành dòng chảy lớn trên toàn cầu, khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân, cũng như các tổ chức quản lý tài sản lớn bậc nhất thế giới tham gia.

Đây là nhóm các nhà đầu tư có sự chú ý tới những thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tìm kiếm giải pháp đầu tư mang tới kết quả thực sự tích cực tới cuộc sống. Họ hướng dòng vốn trực tiếp tới các hoạt động đầu tư bền vững, sử dụng chiến lược, phương pháp tiếp cận với những cân nhắc nghiêm túc tới tác động môi trường.

“Đầu tư bền vững đã bước ra khỏi bóng tối và trở thành dòng chảy lớn. Khách hàng của chúng tôi muốn biết đồng tiền của họ được đầu tư vào đâu, gia tăng như thế nào và tạo tác động ra sao. Phát triển bền vững không có nghĩa phải hy sinh lợi ích, thực tế, nó góp phần tạo nên giá trị cho quá trình đầu tư”, James Purcell, Giám đốc toàn cầu Bộ phận đầu tư giá trị và bền vững tại UBS Wealth Management CIO cho biết.

Từ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cho tới Các mục tiêu phát triển bền vững Liên hiệp quốc (SDGs), dễ nhận thấy các thách thức đối với môi trường, khí hậu đã được đặt ra trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, các cổ đông, nhân viên, nhà đầu tư cá nhân cũng đóng góp tích cực hơn trong việc hướng dòng vốn vào hoạt động đầu tư bền vững, vì lợi ích chung. Chính điều này tạo ra nhu cầu trên quy mô lớn đối với doanh nghiệp, buộc các công ty phải kết hợp các yếu tố ESG vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình trong dài hạn.

Năm 2006, khi Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) do Liên hợp quốc đề xướng được công bố, 63 tổ chức đầu tư (nhà quản lý tài sản, quỹ đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ đầu tư) quản lý 6.500 tỷ USD đã ký cam kết tích hợp ESG vào quyết định đầu tư của mình. Tính tới tháng 6/2019, con số này đã tăng lên 2.450 tổ chức với tổng giá trị tài sản quản lý đạt 82.000 tỷ USD, theo số liệu cập nhất mới nhất của UNPRI.

Theo khảo sát của Responsible Investor, 78% các nhà quản lý tài sản coi việc quản lý các yếu tố ESG là một trong các vấn đề chủ chốt khi tìm kiếm cơ hội và đưa ra quyết định đầu tư. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy, ESG đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây và trở thành dòng chảy chính trên các thị trường tài chính.

Không riêng các tổ chức đầu tư lớn, nhà đầu tư cá nhân cũng tìm cách tham gia vào dòng chảy này khi trực tiếp rót vốn vào các công ty có thể tạo ra động lực thay đổi vì tương lai. Khảo sát toàn cầu của UBS Investor Watch 2018 cho thấy, 39% nhà đầu tư đã có các khoản đầu tư bền vững trong danh mục của mình. Con số này nhiều khả năng sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới, khi suy nghĩ của nhà đầu tư đã có sự thay đổi rõ rệt. 86% người tham gia khảo sát cho rằng, chiến lược đầu tư có trách nhiệm cổ vũ doanh nghiệp gắn kết với hoạt động sản xuất – kinh doanh bền vững, từ đó tạo ra lợi ích dài hạn; 82% cho rằng các công ty phát triển bền vững là khoản đầu tư tốt, bởi đây là nhóm doanh nghiệp có tư duy tiến bộ và được quản lý tốt.

Các nhà đầu tư tại mọi độ tuổi, khu vực, quy mô tài sản cùng chung quan điểm rằng, đầu tư bền vững là quan trọng và đang gia tăng. 58% nhận định, đầu tư có trách nhiệm sẽ trở thành tiêu chuẩn đầu tư trong thập kỷ tới.

“Các khảo sát của chúng tôi cho thấy, ngày càng nhiều nhà đầu tư tích hợp các yếu tố ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư của mình. Bởi vậy, chúng tôi tin rằng, đầu tư có trách nhiệm sẽ trở thành sức mạnh không thể đảo ngược”, Simon Smiles, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management nhận định.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư cho biết, đầu tư có trách nhiệm mang lại lợi nhuận cạnh tranh so với hoạt động đầu tư truyền thống. 48% người tham gia khảo sát năm 2019 của UBS cho biết, họ lựa chọn tích hợp ESG vào hoạt động đầu tư vì nó mang lại hiệu quả tài chính tốt. Đây cũng là quan điểm của các nhà đầu tư tổ chức lớn.

Các sở giao dịch chứng khoán vào cuộc

Xu hướng đầu tư có trách nhiệm ngày càng trở thành dòng chảy lớn và đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới đầu tư toàn cầu. Đây chính là yếu tố thúc đẩy các sở giao dịch chứng khoán trên toàn cầu vào cuộc, trong đó có Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ có liên quan để phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư dựa trên các chính sách đầu tư có trách nhiệm.

SET thể hiện các cam kết tới việc đầu tư có trách nhiệm và phát triển bền vững bằng cách công bố danh sách Đầu tư bền vững Thái Lan (THSI) kể từ năm 2015, bao gồm các công ty với màn biểu diễn vượt trội về các yếu tố ESG trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh.

SET lựa chọn các công ty niêm yết tham gia danh sách từ các ứng cử viên tự nguyện tham gia thông qua việc đánh giá các khía cạnh liên quan tới ESG và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình đánh giá lại được thực hiện mỗi năm để đảm bảo các doanh nghiệp duy trì các tiêu chuẩn phù hợp với đầu tư có trách nhiệm, nhất là trong bối cảnh các yêu cầu trên toàn cầu thay đổi nhanh và ngày càng cao.

Các công ty được lựa chọn góp mặt trong danh sách THSI phải có điểm đạt ít nhất 50% tại mỗi khía cạnh đánh giá, hoặc là một trong các công ty có mặt trong Chỉ số phát triển bền vững Dow Jones (DJSI) và đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Các tiêu chuẩn này bao phủ toàn diện các vấn đề liên quan tới chất lượng báo cáo quản trị, lợi nhuận và cổ tức của cổ đông, với các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Thái Lan và không có các tác động tiêu cực lớn có liên quan tới yếu tố ESG.

Hoạt động đánh giá được thực hiện bởi các nhóm chuyên gia về hoạt động đầu tư có trách nhiệm, quản trị và trách nhiệm xã hội, bao gồm đại diện từ các tổ chức thị trường vốn, gắn chặt với mục tiêu minh bạch và đáng tin cậy.

Năm 2019, số lượng doanh nghiệp trong danh sách THSI đạt 98 công ty, tăng 51 công ty so với năm 2015. Tính tới tháng 15/10/2019, các công ty này có tổng giá trị thị trường đạt 11.310 tỷ THB (xấp xỉ 365 tỷ USD), chiếm 65,25% giá trị thị trường SET và sàn MAI (Market for Alternative
Investment).

Nhóm các ngành công nghiệp có số lượng công ty thuộc THSI lớn nhất là nguồn nhân lực (19 công ty); bất động sản và xây dựng (15 công ty), các ngành công nghiệp (13 công ty). Tỷ lệ chia cổ tức của các doanh nghiệp thuộc THSI đạt 3,9% năm 2018, vượt trội so với tỷ lệ trung bình trên sàn SET là 3,62%.

Trong khi đó, 6 sàn chứng khoán tại châu Âu đã cam kết sẽ có các hoạt động đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư quan tâm tới các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, trong đó có việc thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh và phát triển các chỉ số mới. Chẳng hạn, Sở Giao dịch chứng khoán London cho biết, cơ quan này đã bắt đầu đáp ứng một cách nghiêm túc các nhu cầu đầu tư ESG của nhà đầu tư, với việc đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư bền vững, phát hành trái phiếu xanh bằng 7 loại tiền tệ khác nhau, mua lại doanh nghiệp chuyên xếp hạng các yếu tố ESG vào tháng 3/2019 để tiến hành phát triển các chỉ số mới thuộc bộ FTSE Russell…

Lam Phong
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục