Đầu tư cổ phiếu qua Anfin: Vốn nhỏ, rủi ro lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên thị trường gần đây xuất hiện ứng dụng đầu tư chứng khoán Anfin, cho phép người dùng tham gia với số vốn từ… 10.000 đồng trở lên.
Chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động của các ứng dụng đầu tư mới như Anfin. Chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động của các ứng dụng đầu tư mới như Anfin.

Cho phép đầu tư dưới 1 cổ phiếu

Theo thông tin trên website anfin.vn, Anfin (ra mắt vào tháng 10/2021) là ứng dụng đầu tư chứng khoán, giúp người dùng có thể mua - bán các cổ phiếu được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam với số lượng bất kỳ. Anfin tự giới thiệu: “Với tính năng cho phép giao dịch cổ phiếu phân đoạn, mua cổ phiếu chính xác theo số tiền hoặc số lượng cổ phiếu muốn sở hữu, bạn có thể bắt đầu đầu tư với Anfin chỉ từ 10.000 đồng”.

Cổ phiếu lẻ (fractional shares), hay cổ phiếu phân đoạn là một phần nhỏ của cổ phiếu. Nói cách khác, nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu với số lượng nhỏ hơn 1 đơn vị thông qua ứng dụng Anfin.

Ví dụ, nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu FPT (hiện giao dịch ở khoảng 75.000 đồng/cổ phiếu) với số vốn chỉ 10.000 đồng - điều không thể thực hiện được khi mở tài khoản đầu tư chứng khoán theo cách truyền thống, tại các công ty chứng khoán. Đây được xem là điểm thu hút của ứng dụng đầu tư này với nhà đầu tư ít vốn, nhất là khi họ có nhu cầu sở hữu cổ phiếu blue-chip mà điều kiện tài chính hạn hẹp.

Theo công bố của Anfin, ứng dụng này đã có hơn 300.000 người đăng ký, 15.000 giao dịch mỗi ngày.

Nhà đầu tư cổ phiếu qua ứng dụng Anfin chỉ cần đăng ký tài khoản đầu tư, nạp tiền vào tài khoản và giao dịch (nhập mức giá muốn đặt mua và số lượng cổ phiếu, hoặc mức giá bán và số lượng). Khi khớp lệnh, lượng cổ phiếu sở hữu cũng hiển thị trên tài khoản của nhà đầu tư, giống như tài khoản mở tại công ty chứng khoán. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản khi đầu tư qua Anfin là khi nhà đầu tư mở tài khoản đồng nghĩa với việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty.

Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh của Anfin thể hiện, người dùng có nguồn tiền hợp pháp và có nhu cầu đầu tư vào các sản phẩm tài chính từ nguồn tiền này; Công ty có hệ thống phần mềm để trợ giúp cho người dùng thực hiện việc tích lũy, đầu tư vào các sản phẩm tài chính. Hai bên ký kết hợp tác kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi nhuận và thực hiện các giao dịch liên quan tới các sản phẩm tài chính.

Nhận diện rủi ro

Đáng chú ý, nội dung hợp đồng thể hiện, Anfin sẽ là đại diện duy nhất trong quan hệ hợp tác kinh doanh, đứng tên sở hữu, quản lý với các sản phẩm tài chính do người dùng yêu cầu đầu tư. Theo đó, cổ phiếu mà nhà đầu tư chuyển tiền mua qua Anfin sẽ do Công ty đứng tên tại tổ chức lưu ký.

Điều này dẫn tới câu hỏi: Nếu Anfin gặp khủng hoảng, mất khả năng thanh toán thì số cổ phiếu của nhà đầu tư sẽ được xử lý như thế nào?

Với câu hỏi này, website anfin.vn cho biết: “Nếu hoạt động kinh doanh của Anfin không đáp ứng được các yêu cầu về khả năng thanh toán, Anfin sẽ thông báo cụ thể và kịp thời cho người dùng. Khi đó, người dùng có quyền bán lại toàn bộ danh mục cổ phiếu đang nắm giữ và rút ra toàn bộ tài sản của mình. Nếu người dùng không xử lý tài sản của mình khi hết hạn thông báo, Anfin sẽ thanh lý tài sản theo giá trị thị trường và hoàn trả lại tài sản đó cho người dùng, số liệu căn cứ vào thống kê tài sản người dùng trên ứng dụng Anfin tại thời điểm Anfin thanh lý tài sản”.

Như vậy, có thể hiểu là, nếu Anfin đóng cửa, nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu vào thời điểm đó để thu tiền về, không được giữ cổ phiếu. Nếu diễn biến thị trường xấu, giá cổ phiếu đang giảm mạnh so với giá nhà đầu tư mua vào sẽ là bất lợi lớn. Chưa kể, nhà đầu tư sẽ buộc phải bán số cổ phiếu mà mình đang nắm giữ vào thời điểm chưa phù hợp, cũng như không đúng với mong muốn đầu tư tích sản, sở hữu tài sản là cổ phiếu, không phải tiền mặt.

Nếu nhà đầu tư không chủ động bán, Anfin sẽ bán các tài sản do Công ty đứng tên sở hữu (bao gồm cổ phiếu của các khách hàng). Tuy nhiên, nếu đóng cửa, Công ty phải thực hiện nghĩa vụ với nhiều bên và thứ tự “trả nợ” cũng chưa được nêu rõ.

Hành động này cũng phát sinh vấn đề, nếu bị buộc phải bán, nhưng cổ phiếu không có thanh khoản thì hoạt động thanh lý tài sản là cổ phiếu này sẽ được thực hiện ra sao? Nếu không thể bán được cổ phiếu, liệu nhà đầu tư có mất trắng?

Trong khi đó, khi mua cổ phiếu qua các công ty chứng khoán, tổ chức đầu tư/lưu ký được cấp phép, nhà đầu tư luôn được đảm bảo quyền lợi đối với cổ phiếu của mình. Cụ thể, Điều 88, Luật Chứng khoán quy định về quản lý tài sản của khách hàng như sau: Tài sản của khách hàng do công ty chứng khoán tiếp nhận và quản lý, bao gồm tiền gửi giao dịch chứng khoán, chứng khoán lưu ký, lưu giữ tại công ty chứng khoán và các quyền có liên quan là tài sản thuộc quyền sở hữu của khách hàng, không phải là tài sản của công ty chứng khoán.

Trường hợp công ty chứng khoán giải thể hoặc bị phá sản, tài sản của khách hàng phải được hoàn trả cho khách hàng sau khi trừ đi nghĩa vụ nợ phải trả của khách hàng đối với công ty chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư có thể chuyển số cổ phiếu mình đang sở hữu sang công ty chứng khoán/tổ chức đầu tư được cấp phép khác.

Bên cạnh đó, rủi ro lớn khác với nhà đầu tư chính là tính minh bạch trong hoạt động của ứng dụng. Nhà đầu tư không thể chắc chắn số lượng cổ phiếu thể hiện trong tài khoản trên ứng dụng Anfin của mình thực tế đã được Công ty mua hay chưa, bởi không thể kiểm tra hoạt động lưu ký. Trong khi đó, Anfin không công bố đơn vị kiểm toán của mình, cũng như không có công bố thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh.

Giả sử, nhà đầu tư nạp tiền qua Anfin để mua cổ phiếu HPG vào thời điểm HPG giao dịch ở mức 53.000 đồng/cổ phiếu và nhận được thông báo đã hoàn tất giao dịch. Vậy nhưng, sau đó vì lý do phải đóng cửa hoạt động, Anfin chỉ cần trả lại cho nhà đầu tư số tiền theo giá thị trường hiện tại là khoảng 18.000 đồng/cổ phiếu.

Không riêng Anfin, các ứng dụng đầu tư khác như Finhay, Infina, Topi, Buff… đều đang hoạt động trong hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Với tầm nhìn từ 10 - 20 năm, liệu các ứng dụng này có còn tồn tại đáp ứng mong muốn đầu tư dài hạn của nhà đầu tư?

Ngày 5/10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra cảnh báo, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCK cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình, do vậy, cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Long, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK cho biết: “UBCK đã khuyến cáo các nhà đầu tư trước khi tham gia các ứng dụng, cần tìm hiểu kỹ nội dung của các hợp đồng, đồng thời tìm hiểu về các giấy tờ pháp lý có liên quan, nhất là các giấy tờ liên quan tới việc các sản phẩm đầu tư có được UBCK cấp phép hay không, Công ty có chức năng kinh doanh phù hợp hay không. Nhà đầu tư có thể đề nghị Công ty cung cấp các giấy tờ pháp lý như trên để tránh rủi ro có thể xảy ra.

Ngoài ra, trước khi ký hợp đồng, để tìm hiểu thêm, nhà đầu tư có thể vào trang thông tin điện tử của UBCK. Tại đây, chúng tôi đã công bố danh sách các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán đã được UBCK cấp phép thành lập và hoạt động. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn toàn diện và thận trọng trước khi ký kết các hợp đồng đầu tư”.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.82 0.0 0.0% 1,394 tỷ
UPCOM 88.76 0.0 0.0% 447 tỷ