Đầu tư chứng khoán cần trang bị “trí tuệ xúc cảm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Rất nhiều nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới như W. Buffet, Ray Dalio, Leon Levis, Louis Bacon… đều thống nhất quan điểm rằng, chính tâm lý đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư.
Vui buồn thái quá đều dễ dẫn đến những sai lầm khi ra quyết định. Vui buồn thái quá đều dễ dẫn đến những sai lầm khi ra quyết định.

Tâm lý ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư

Sự lạc quan thái quá hoặc lo sợ thái quá đều khiến nhiều người tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) gặp các thử thách không thể vượt qua, dẫn đến hiệu suất đầu tư kém. Họ tranh mua khi cổ phiếu đã ở mức định giá quá cao, hoặc hoảng sợ bán ra khi thị trường chỉ vừa rung lắc, mà quên đi rằng, một trong những đặc điểm chung quan trọng nhất của các TTCK trên thế giới, đó là chỉ số luôn có xu hướng tăng trong dài hạn, dù thị trường trải qua nhiều cú sốc.

Chẳng hạn, kể từ khi ra đời quanh mốc 50 - 60 điểm cuối thế kỷ 19, đến giữa năm 2023, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJ) của Mỹ đã vượt lên trên mốc 34.500 điểm dù trải qua rất nhiều biến cố, từ đại suy thoái 1929 - 1932, chiến tranh thế giới thứ 1 và 2 (1914 - 1918 và 1939 - 1945) đến vô vàn sự kiện, biến cố chính trị, khủng hoảng kinh tế như vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy (11/1963), khủng hoảng dầu mỏ 1973 - 1974, chiến tranh vùng Vịnh 1991, khủng bố tòa tháp đôi 2001, khủng hoảng kinh tế 2008 và mới đây nhất là đại dịch Covid-19.

Mỗi biến cố đều làm TTCK Mỹ chao đảo, nhưng đà giảm của DJ chỉ trong ngắn hạn, sau đó chỉ số này quay đầu đi lên và mỗi lần như thế thường vượt qua đỉnh cũ.

Tương tự, với TTCK Việt Nam, chỉ số VN-Index cũng nhiều lần chịu các cú sốc liên quan tới thông tin bắt lãnh đạo doanh nghiệp, hay ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, tài chính, Covid-19..., nhưng những tác động chỉ mang tính ngắn hạn, sau đó chỉ số quay đầu bước vào giai đoạn hồi phục rất mạnh, vượt các đỉnh cũ như giai đoạn 2006 - 2007, 2009, 2016 - 2018, hay gần đây nhất là 2020 - 2021.

Đặc biệt, trong năm 2021, VN-Index đã nhiều lần chạm khu vực 1.200 điểm (đỉnh xác lập năm 2018) và điều chỉnh mạnh xuống các mức đáy, nhưng rồi sau đó lại tiến lên các vùng đỉnh mới cao hơn, gần đây nhất đó là mốc 1.500 - 1.520 điểm giai đoạn quý I/2022. Sau đó, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh từ tháng 4/2022 đến tháng 11/2022, đẩy VN-Index giảm về vùng 875 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ bán ra.

Ảnh tác giả

Tranh mua khi cổ phiếu đã ở mức định giá quá cao, hoặc hoảng sợ bán ra khi thị trường chỉ vừa rung lắc là đặc điểm chung của những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực, Công ty Chứng khoán VPS

Tuy nhiên, những nhà đầu tư hoảng sợ bán ra cuối năm 2022 đã cảm thấy tiếc nuối ngay sau đó khi thị trường hồi phục trở lại từ đầu năm 2023, tiến dần về khu vực 1.170 điểm và có thể quay trở lại khu vực 1.180 - 1.200 điểm ngay trong tháng 7.

Nếu không có các cú sốc nào quá lớn của địa chính trị, kinh tế thế giới, với triển vọng kinh tế vĩ mô đang sáng dần, cùng với các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ bắt đầu “ngấm”, VN-Index được dự báo có thể lên vùng 1.280 - 1.300 điểm vào cuối năm nay và việc về vùng đỉnh cũng 1.500 điểm chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nhiều cổ phiếu hiện đã quay lại mức giá ngay trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra hoặc quay lại mốc giá cao khi mà VN-Index còn ở mốc 1.500 điểm.

Có thể thấy rằng, nền kinh tế luôn vận động theo chu kỳ và TTCK cũng như vậy, nhưng là theo xu hướng tăng lên các mốc điểm mới. Điều này đã được minh chứng khi nhiều nhà đầu tư huyền thoại như Warrent Buffet hay các tổ chức đầu tư đã thành công với chiến lược mua và nắm giữ cổ phiếu lâu dài, mà ít khi quan tâm tới những biến động trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân thường mắc sai lầm do để ý quá nhiều vào những biến động ngắn hạn của thị trường.

Cần trang bị “trí tuệ xúc cảm”

Có 2 lý do khiến TTCK và giá cổ phiếu biến động trong ngắn hạn, đó là những thông tin vĩ mô tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Không thể phủ nhận câu chuyện địa chính trị, chính sách tiền tệ, thông tin kinh tế vĩ mô… có tác động lớn tới thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng, nó sẽ khiến chiến lược đầu tư phải thay đổi, tuy nhiên, chính tâm lý của nhà đầu tư (hoặc hưng phấn quá đà, hoặc lo lắng quá mức) đã khuếch đại sự tác động này, khiến TTCK biến động khó lường.

Không ít người có thể đang hiểu sai về đặc điểm của TTCK và không ít người vẫn mong muốn làm giàu nhanh trên thị trường, mà quên đi các bước tiếp cận phù hợp với tâm lý đầu tư bình ổn.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, khi TTCK Việt Nam khởi sắc, nhà nhà, người người đua nhau mở tài khoản, chuyển tiền vào TTCK với mong muốn làm giàu nhanh. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường đảo chiều giảm, nhiều nhà đầu tư chưa kịp hưởng quả ngọt đã phải nếm trái đắng và âm thầm rút lui.

Bước sang năm 2023, nhất là từ quý II/2023, khi thị trường hồi phục, số lượng tài khoản mở mới đã gia tăng trở lại. Quá trình này không chỉ mới bắt đầu, mà nó đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ và sẽ còn lặp đi lặp lại, bởi mọi người sẽ khó cưỡng lại “trò chơi kinh doanh vĩ đại nhất của loài người”.

Có thể nói, nếu so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ…, thì kênh đầu tư cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư có mức sinh lời vượt trội và phù hợp với số đông nhà đầu tư, từ những người nhiều tiền, cho đến những cá nhân có ít tiền.

Không chỉ là kênh đầu tư sinh lời, TTCK cũng là kênh tích lũy tài sản với nhiều người khi tích lũy dần cổ phiếu (cổ phiếu của doanh nghiệp cơ bản tốt) theo năm tháng. Ngoài giá trị cổ phiếu luôn tăng trong dài hạn như đã đề cập ở trên, người nắm giữ cổ phiếu dài hạn còn được nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng.

Tuy nhiên, việc nói khi nào cũng dễ hơn làm, nhất là với TTCK Việt Nam, khi đang bị chi phối bởi tâm lý số đông của nhà đầu tư cá nhân. Trở lại với giai đoạn 2020 - 2021, việc thị trường cổ phiếu tăng mạnh đã hút dòng tiền từ các kênh khác, nhất là từ kênh tiết kiệm ngân hàng chảy sang.

Sự hồ hởi của các nhà đầu tư mới kéo giá cổ phiếu càng tăng cao hơn và khi đó, tâm lý FOMO xuất hiện trên cả thị trường, thậm chí cả những nhà đầu tư lão làng cũng bị dao động, phá bỏ nguyên tắc đầu tư của mình để tham gia “lướt lát” kiếm lời ngắn hạn và không ít người phải trả giá với những khoản lỗ mà tới giờ chưa thể bù hết.

Qua đó mới thấy rằng, tâm lý vẫn là yếu tố rất quan trọng trong đầu tư chứng khoán. Vì thế, việc phải hiểu và kiềm chế “cảm xúc” khi tham gia TTCK là không thừa với bất kỳ nhà đầu tư nào. Ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, nhà đầu tư cũng cần trang bị cho mình kỹ năng kiểm soát tâm lý, hành vi khi tham gia trên TTCK.

Tóm lại, phương pháp tiếp cận, góc nhìn tích cực vào TTCK đi kèm với việc chọn lựa cổ phiếu đầu tư trở thành điều kiện tối quan trọng, nhưng để thành công trên TTCK, ngoài việc biết phân tích, đánh giá, lựa chọn danh mục cổ phiếu tốt, điều quan trọng là nhà đầu tư cần trang bị, rèn luyện cho mình ít nhiều “trí tuệ xúc cảm”. Tâm lý đầu tư thích hợp, quá trình tiếp cận thị trường thận trọng nhưng không quá lo sợ sẽ giúp ích nhiều cho các nhà đầu tư khi tham gia “trò chơi kinh doanh vĩ đại nhất của loài người”.

Lê Đức Khánh
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ