Đầu tư cho an toàn thông tin có thể tăng mạnh trong năm 2014

Tại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật 2014 (Security World 2014) với chủ đề “Gắn kết chiến lược an toàn thông tin với các mục tiêu tăng trưởng và phát triển”, Kaspersky (một hãng sản xuất, phân phối phần mềm bảo mật của Nga) cho biết, Việt Nam xuất hiện trong 3 danh sách các quốc gia bị tấn công mạng.
Đầu tư cho an toàn thông tin có thể tăng mạnh trong năm 2014

Theo đó, Việt Nam xếp thứ 8 trong Top 10 quốc gia đứng đầu về nguồn phần mềm độc hại trực tuyến, xếp thứ 6 trong Top 20 quốc gia có nguy cơ nhiễm độc máy tính thông qua mạng Internet cao nhất và đứng đầu về mức độ nhiễm độc qua máy tính (chiếm đến 68,14%) ở thị trường trong nước.

Thực trạng trên đang tạo áp lực mạnh và đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phải có các chiến lược và chương trình hành động hiệu quả, để đảm bảo an toàn thông tin, đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên.

Báo cáo của IDC dự đoán rằng, chi tiêu cho công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 15,5% và thị trường công nghệ thông tin dự kiến đạt 13,05 tỷ USD trong năm 2014. Nếu dự báo này thành hiện thực, thì mức độ đầu tư cho an toàn thông tin tại Việt Nam có thể sẽ gia tăng mạnh trong năm 2014.

Ông David Francis, Giám đốc Bảo mật mạng của Huawei tại Vương quốc Anh nhận xét, với an ninh mạng, các mối đe dọa đang thay đổi, các hình thức tấn công mạng đang thay đổi và mục tiêu của các cuộc tấn công cũng đang thay đổi, từ chính trị đến chủ nghĩa bảo hộ, từ tiền bạc đến tin tặc. Các mối đe dọa bảo mật mạng không bao giờ ngừng, vì thế doanh nghiệp cũng không bao giờ được phép ngừng lại.

Mặc dù bảo mật trong doanh nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng sự cố về mất an ninh thông tin vẫn có chiều hướng gia tăng và đi cùng với nó là các hệ lụy từ việc cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin của doanh nghiệp bị tấn công. Các xu hướng công nghệ mới được sử dụng tại các doanh nghiệp như mang thiết bị cá nhân (smartphone, tablet...) đến nơi làm việc, điện toán đám mây, điện toán xã hội lại chưa có các biện pháp đảm bảo an ninh thông tin hữu hiệu.

Các chuyên gia công nghệ tại Security World 2014 cho rằng, thực tế đang đòi hỏi doanh nghiệp phải chú trọng hơn vào những khoản đầu tư bảo mật để cải thiện công nghệ, quy trình và chiến lược, đảm bảo đạt được mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đã đặt ra.

Ông Nguyễn Bá Quỳnh, Giám đốc Bộ phận Phần mềm, IBM Việt Nam nhận xét, phần lớn các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhiều nguồn lực vào hai lớp đầu của bảo mật là cơ sở vật lý và mạng, máy chủ và thiết bị đầu cuối, nhưng vấn đề an ninh ứng dụng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Thống kê của IBM cũng cho thấy, chỉ có khoảng 10% ngân sách dành cho bảo mật là đầu tư vào việc bảo mật ứng dụng và phần còn lại trong 90% ngân sách này được đầu tư cho việc bảo mật hệ thống mạng và cơ sở hạ tầng vật lý. Trong khi đó, số lượng lỗ hổng bảo mật được phát hiện mới trong năm 2013 tăng 27% so với năm 2010 và có tới 49% là lỗ hổng thuộc về ứng dụng web.

Tại Việt Nam, khoản đầu tư dành cho bảo mật trong doanh nghiệp chiếm khoảng 5-10% chi phí cho hệ thống. Tuy nhiên, khoản đầu tư này thường được xem như là “phụ phí”, “tăng thêm”.

Theo ông David Francis, nếu doanh nghiệp đầu tư mang tính chất đơn lẻ, chỉ đầu tư một lần với khoản tiền lớn thì sẽ rất tốn kém và thất bại. Nhưng khi coi an ninh là thành phần tất yếu trong mọi dự án công nghệ thông tin, thì ngân sách không bị tách rời, rẻ hơn và khả năng thành công cao hơn.

Ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam cho biết, năm 2014, doanh nghiệp trong một số ngành như viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm tại Việt Nam tiếp tục đầu tư vào công nghệ. Họ sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin có tính năng phân tích để hiểu rõ khách hàng hơn, quản lý rủi ro trong doanh nghiệp và kiểm soát tài chính hiệu quả hơn.

Theo ông Tan Jee Toon, một đặc điểm quan trọng trong xu hướng thị trường cũng như xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam trong năm 2014 và trong những năm tới là sự tham gia nhiều hơn của các thành viên khác của Ban giám đốc, ngoài giám đốc điều hành (CEO).

Tú Ân (baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục