Đầu tư bất thành, Petrolimex Hà Nội ráo riết đòi nợ?

(ĐTCK) Theo điều khoản hợp đồng, lẽ ra khoản nợ của khách hàng phải được thu hồi từ năm 2008, nhưng mãi 5 năm sau, Petrolimex Hà Nội mới khởi kiện đòi nợ.
Đầu tư bất thành, Petrolimex Hà Nội ráo riết đòi nợ?

Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Công ty TNHH một thành viên (Petrolimex Hà Nội) và Hợp tác xã thương mại Đồng Tâm (huyện Hoài Đức – Hà Nội).

Theo hồ sơ vụ kiện, Petrolimex Hà Nội và Hợp tác xã Thương mại Đồng Tâm có ký hợp đồng mua bán xăng dầu số 06. Theo đó, Hợp tác xã Đồng Tâm mua xăng dầu từ Petrolimex về để bán lẻ cho khách hàng. Đến tháng 12/2009, thời điểm hợp đồng số 06 hết thời hiệu, hai bên tiếp tục ký các phụ lục hợp đồng gia hạn. Hai bên đã nhiều lần làm việc, chốt công nợ và số tiền Hợp tác xã Đồng Tâm còn nợ Petrolimex Hà Nội tại thời điểm năm 2008 là hơn 1,18 tỷ đồng. Kinh doanh khó khăn, Hợp tác xã Đồng Tâm không có khả năng trả nợ, nhưng phía Petrolimex Hà Nội không yêu cầu trả lãi chậm trả.

Hợp tác xã Đồng Tâm cho rằng, trong quá trình ký kết hợp đồng mua bán xăng dầu, Hợp tác xã đã nằm trong diện bị giải tỏa. Chủ nhiệm hợp tác xã trình bày với Giám đốc Petrolimex Hà Nội về nội dung Hợp tác xã được đền bù theo diện tái định cư diện tích 7.000 m2, được phép xây dựng hơn 4.832 m2. Sau khi được bàn giao mặt bằng kinh doanh, Hợp tác xã sẽ cho Petrolimex Hà Nội thuê đất từ 10 - 20 năm để lấy tiền trả nợ cho Công ty và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín. Kèm theo đó là thỏa thuận Petrolimex Hà Nội phải sử dụng toàn bộ nhân viên của Hợp tác xã Đồng Tâm. Năm 2013, Hợp tác xã thuộc diện bị di dời, giải tỏa. Cửa hàng xăng dầu hợp tác xã (Km13, Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức) do không có giấy phép nên cũng buộc phải đóng cửa.

Theo Hợp tác xã Đồng Tâm, do cấp chính quyền không thực hiện đúng chủ trương của nhà nước về đền bù giải tỏa nên kế hoạch trả nợ của Hợp tác xã không được thực hiện. Đến nay, Hợp tác xã Đồng Tâm vẫn chưa được bàn giao mặt bằng. Hợp tác xã Đồng Tâm mong muốn phía Petrolimex Hà Nội tạo điều kiện và đưa ra lộ trình trả nợ dần 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, cam kết khi được bàn giao đất, cửa hàng mới đi vào hoạt động, Hợp tác xã sẽ chi trả tối thiểu 10 triệu đồng/tháng, tối đa 15 triệu đồng/tháng.

Tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 3/2016, TAND huyện Hoài Đức đã chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của Petrolimex Hà Nội, buộc Hợp tác xã Đồng Tâm phải có nghĩa vụ trả nợ số tiền hơn 1,18 tỷ đồng.

Sau phiên tòa trên, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo đại diện Hợp tác xã Đồng Tâm, từ năm 2007, Petrolimex Hà Nội đã đầu tư gián tiếp cho Hợp tác xã. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được thể hiện giấy trắng mực đen, không có văn bản cụ thể. Theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã không có điều kiện kinh doanh xăng dầu, không được cấp phép bán hàng, song vì thỏa thuận đầu tư gián tiếp, Petrolimex Hà Nội vẫn cấp hàng cho Hợp tác xã bán lẻ xăng dầu. Thêm chứng cứ khác là, theo hợp đồng mua bán đã ký kết, thời gian chậm thanh toán tối đa 13 ngày. Petrolimex lẽ ra có thể chấm dứt hợp đồng và đòi nợ từ năm 2008, nhưng Công ty vẫn theo đuổi dự án trên. Đến năm 2015, khi UBND huyện Hoài Đức thông báo dự án của hợp tác xã bị chồng lấn, Petrolimex vội vã quay sang khởi kiện đòi nợ.

Trong đơn kháng cáo, bị đơn cũng cho rằng, cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng như có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, bênh vực nguyên đơn, không cho sao chụp chứng cứ, không được tranh tụng… Hợp tác xã Đồng Tâm đã đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.

Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xem xét vụ án và thấy rằng, lập luận bị đơn đưa ra không có căn cứ. Đơn cử như bị đơn có đơn xin sao chụp chứng cứ khi phiên tòa sơ thẩm được mở nên tòa án không giải quyết là hợp lý. Hồ sơ cũng thể hiện bị đơn đã được trình bày, tranh tụng tại tòa… Đại diện Hợp tác xã Đồng Tâm đã xác nhận hợp đồng mua bán và công nợ. Do đó, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định bác đơn kháng cáo.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục