Đầu tư 8.743 tỷ đồng xây cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải vừa phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng do Tổng công ty Đầu tư phát triển Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.     
Đoạn Quốc lộ 1 qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn thường xuyên quá tải Đoạn Quốc lộ 1 qua cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn thường xuyên quá tải
Dự án có chiều dài 43 km với điểm đầu tại Km1+800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc; điểm cuối dự án tại Km44+749,67 thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn này sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án là : 8.743 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)  8.655,7 tỷ đồng.

Bộ Giao thông - Vận tải giao VEC hoàn chỉnh phương án tài chính trên cơ sở tham chiếu các điều kiện vay lại, cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư nêu trên và các tài liệu liên quan khác (tình hình tài chính doanh nghiệp, vốn điều lệ...) để gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thẩm định năng lực tài chính của VEC và đánh giá hiệu qủa tài chính, phương án trả nợ của của dự án làm cơ sở xác định chủ đầu tư dự án.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính cho Dự án bao gồm việc cho vay lại hay cấp phát đối với vốn vay ưu đãi từ ADB phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định năng lực tài chính, khả năng trả nợ của chủ dự án. .

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn khi hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực; Hoàn chỉnh hành lang xuyên Á đoạn Lạng Sơn - Hà Nội trước năm 2020; Tăng cường kết nối trên tuyến hành lang xuyên Á qua địa phận Việt Nam từ Lạng Sơn - Hà Nội - TP.HCM - Mộc Bài, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng trung du miền núi phía Bắc; Tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, các đoạn cao tốc trong tuyến đường là Hà Nội - Bắc Giang và Bắc Giang - Lạng Sơn đã được đầu tư theo hình thức BOT nên việc tiếp tục bố trí vốn cho đoạn tuyến còn lại Km 1 + 800 - Km45 +100 để có thể triển khai đồng bộ toàn tuyến đường là rất cần thiết.

Anh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục