Trước đó, theo đề nghị của Bộ GTVT, diện tích sử dụng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng từ 590,48 ha lên 598,11 ha để mở rộng nhà ga quốc tế; mở rộng nhà ga nội địa và nhà khách VIP; nhà ga hàng hóa; hệ thống sân đỗ máy bay để có thể nâng công suất từ 22 triệu hành khách/năm hiện nay lên 25 triệu hành khách/năm vào năm 2020.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, sân bay lớn nhất nước sẽ giữ nguyên cấu hình cất hạ cánh, không xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ, khu hàng không dân dụng và các khu chức năng phía Bắc sân bay mà chỉ tập trung mở rộng và hoàn thiện khu vực phía Nam.
Cụ thể, Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng sân đậu máy bay từ quỹ đất hiện có và diện tích đất Quốc phòng sẽ bàn giao để sân đỗ máy bay và đường lăn dùng chung. Số vị trí đậu tăng lên từ 40 vị trí lên 54 vị trí đậu của hàng không dân dụng và 28 vị trí của hàng không lưỡng dụng.
Điều chỉnh mở rộng khu vực nhà ga hành khách quốc tế và nhà ga hành khách quốc nội theo hướng điều chỉnh mở rộng, tăng công suất nhà ga quốc tế từ 10 triệu hành khách/năm lên 13 triệu hành khách/năm; đầu tư cải tạo sửa chữa nâng cấp nhà ga quốc nội để tăng công suất từ 9 triệu hành khách/năm lên 12 triệu hành khách/năm.
“Như vậy, công suất nhà ga sau khi điều chỉnh đạt công suất 25 triệu hành khách/năm đồng bộ với công suất tới hạn của khu bay”, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết.
Điều chỉnh các hạng mục khác để đồng bộ đảm bảo khai thác công suất tới hạn 25 triệu hành khách/năm bao gồm: khu phục vụ kỹ thuật, khu quản lý điều hành bay, giao thông nội và ngoại cảng.
Dự kiến tổng mức đầu tư để nâng công suất sân bay từ 22 triệu lượt khách hiện nay lên 25 triệu lượt khách/năm đến năm 2020 là 6.400 tỷ đồng (giá lập tại thời điểm tháng 3/2015) được huy động bằng nguồn vốn vay ODA, vốn FDI, BOT… tùy theo tính chất của mỗi dự án thành phần.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, phát triển thêm một khu hàng không dân dụng về phía Bắc Tân Sơn Nhất là bất khả kháng do khó khăn trong kết nối giao thông của khu hàng không phía Bắc với Thành phố; tăng chi phí do phải vận hành hai dây chuyền khai thác nhà ga độc lập; khó khăn cho hành khách bay nối chuyến, kết nối giao thông giữa hai khu hàng không.
Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, sau khi Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất tới hạn 25 triệu hành khách/năm sẽ xây dựng mới sân bay Long Thành để giảm tải cho Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 909/QĐ –TTg ngày 14/6/2011 phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tuy nhiên, thời gian từ nay đến khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác sử dụng còn khoảng thời gian khá dài, trong khi cảng hàng không Tân Sơn Nhất dự kiến đạt công suất 25 triệu khách/năm vào năm 2017 và quá tải sau đó.
“Trên nhu cầu sử dụng thực tế hiện nay và dự kiến các năm tiếp theo thì việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết”, ông Hùng khẳng định.