Tìm cơ chế đặc thù xây tuyến cao tốc Bắc - Nam vốn khủng 130.216 tỷ đồng

Cơ chế đặc thù là điều kiện cần và đủ để có thể gọi vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nhằm hoàn thành khoảng 700 km cao tốc Bắc - Nam phía Đông quy mô 4 làn xe, có tổng mức đầu tư 130.216 tỷ đồng vào năm 2020.
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: A.M Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, một phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: A.M

Đồng thuận

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa  đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cần phải nói thêm rằng, theo chỉ đạo của Ban Cán sự đảng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cuối tháng 8/2017, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Dự án kèm theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội và trình dự thảo của Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ trương đầu tư Dự án.

Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội để đảm bảo tính khả thi khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng thời, tại Báo cáo số 88-BC/BKTTW ngày 30/8/2017 gửi Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ ban hành Nghị quyết về các cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ làm cơ sở thực hiện.

Một điểm thuận lợi lớn cho quá trình xây dựng Nghị quyết của Chính phủ là vào tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ về một số cơ chế, chính sách quan trọng với tư cách là những điều kiện cần và đủ để có thể gọi vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nhằm cụ thể hóa mục tiêu hoàn thành khoảng 700 km cao tốc Bắc Nam phía Đông quy mô 4 làn xe vào năm 2020.

Tìm cơ chế đặc thù xây tuyến cao tốc Bắc - Nam vốn khủng 130.216 tỷ đồng ảnh 1

Cụ thể, Bộ GTVT đã nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên Chính phủ cho 7 nhóm cơ chế cần xin chủ trương của Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ, trong đó đáng chú ý là các kiến nghị Quốc hội cho phép được quyết định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án; mức giá đã quy định trong hợp đồng là không thay đổi; kiến nghị Quốc hội sau khi thông qua chủ trương đầu tư, giao Chính phủ triển khai các dự án thành phần như các dự án độc lập; cho phép quy định trong hợp đồng dự án tiến độ huy động vốn chủ sở hữu phù hợp tiến độ triển khai Dự án...

“Bên cạnh những bất cập về cơ chế, chính sách như: phí, kiểm soát giá thành, thì việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài đều cần Chính phủ chia sẻ một số rủi ro do mức tín nhiệm quốc gia chưa cao. Vì vậy, việc xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án hạ tầng có quy mô vốn lớn nhất từ trước đến nay là hết sức cần thiết”, ông Nhật cho biết.

Tăng sức hút cho Dự án

Liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị đưa vào Nghị quyết của Chính phủ việc giao Ngân hàng Nhà nước đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn và triển khai được các dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay nước ngoài như của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (Ngân hàng AIIB).

Về lợi nhuận của nhà đầu tư đối với phần vốn chủ sở hữu, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để tính toán phương án tài chính ban đầu là 14%/năm; mức lợi nhuận chính thức đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư xác định thông qua đấu thầu.

Liên quan tới phương án tài chính của các hợp phần đầu tư theo hình thức PPP, đối với phần lợi nhuận của nhà đầu tư, Bộ GTVT đang tạm tính tỷ suất lợi nhuận khoảng 14%/năm cho phần vốn chủ sở hữu; 10,37%/năm cho phần vốn vay; mức thu giá dịch vụ là 1.500 đồng/PCU/km (bắt đầu từ thời điểm dự án đưa vào khai thác), dự kiến 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 12%. Với các yếu tố đầu vào này, các nhà đầu tư có thể hoàn vốn dự án trong thời gian dưới 24 năm.

Trước đó, trong Tờ trình số 247 gửi Quốc hội hôm 1/6/2017, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giao Bộ GTVT được quyết định mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hợp đồng dự án, mức giá đã được quy định trong hợp đồng là không thể thay đổi.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, theo quy định của Luật Giá, giá được xác định đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp… và được điều chỉnh khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Căn cứ nguyên tắc này, đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam, mức giá xác định để hoàn vốn lên đến 2.500 đồng/PCU/km. Để giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn mức giá phù hợp (1.500 đồng/PCU/km) kết hợp với lộ trình tăng giá hợp lý.

“Nếu không quyết định mức giá, lộ trình tăng giá ngay từ đầu sẽ không có cơ sở để tính toán phương án tài chính cả vòng đời dự án và đương nhiên không có cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Nhật cho biết.

Anh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục