Thu hút FDI: Khuyến khích hình thức PPP

Trong định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, hình thức PPP sẽ được khuyến khích, nhất là đối với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông. Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông. Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Nhộn nhịp nhà đầu tư “nhòm ngó”

Theo thông tin được cập nhật tới ngày 15/7/2019, đã có 60 nhà đầu tư, bao gồm cả trong và ngoài nước, nộp hồ sơ dự tuyển để tham gia các dự án PPP thành phần, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam.

Trong số này, số lượng các nhà đầu tư ngoại không ít, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Philippines… Nhiều cái tên khá quen thuộc như Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Daewoo, Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte, Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Hyundai... cũng nằm trong danh sách này.

Như vậy, không nằm ngoài dự đoán, ngay khi các ban quan lý dự án tổ chức sơ tuyển chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, rất nhiều nhà đầu tư ngoại đã hăm hở nộp hồ sơ. Điều này cho thấy, mối quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư nước ngoài với không chỉ dự án này, mà cả với hình thức đầu tư PPP.

Không chỉ lĩnh vực giao thông, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến các dự án BOT ngành điện. Ví dụ, AES với Nhiệt điện Mông Dương 3, EGATI với Nhiệt điện Quảng Trị, Sumitomo với Nhiệt điện Vân Phong 1, Toyo-Ink với Nhiệt điện sông Hậu 2, Tata Power với Nhiệt điện Long Phú 2…

Thậm chí, chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất các kế hoạch đầu tư các dự án điện khí, cũng với hình thức BOT, như Energy Capital với Dự án Điện khí Bạc Liêu, Sembcorp với Dự án Điện khí Quảng Ngãi, Total với Điện khí Cà Ná, Marubeni với Điện khí Long Sơn… Toàn những dự án khủng, có vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD và cũng toàn là nhà đầu tư tầm cỡ trên thị trường toàn cầu…

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện ở Việt Nam đã có 336 dự án được đầu tư theo hình thức PPP. Trong số này, có 220 dự án ngành giao thông, 18 dự án ngành năng lượng cùng các dự án trong các lĩnh vực khác.

Như vậy, còn rất nhiều dự án, nhà đầu tư chưa nằm trong “bảng tổng sắp” này, trong khi các kế hoạch đang được xây dựng, các toan tính đầu tư mới có rất nhiều. Câu chuyện là làm sao để biến các kế hoạch này trở thành hiện thực?

Hút vốn ngoại theo hình thức PPP

Thị trường có rất nhiều tiềm năng, khi mà không chỉ có nhiều dự án cần được đầu tư theo hình thức PPP, mà cũng có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới hình thức đầu tư này. Không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều năm gần đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài luôn hối thúc Việt Nam sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho PPP.

Có lẽ, đấy cũng là lý do khiến khi xây dựng định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh hình thức đầu tư PPP. Theo đó, sẽ khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP vào các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là các dự án giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…

Việt Nam, từ ít năm trước, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, đã rất quan tâm thu hút đầu tư theo hình thức PPP để hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, con số còn hạn chế và hiệu quả chưa như kỳ vọng.

Theo Báo cáo giám sát đầu tư năm 2018 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ cách đây ít ngày, hiện nay, các dự án BOT giao thông chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, một số dự án BOT còn huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp nhà nước (hoặc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa). Hơn nữa, nguồn vốn chủ yếu là vốn tín dụng ngắn hạn, song lại được sử dụng cho đầu tư dài hạn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, với các dự án BOT ngành điện, thời gian chuẩn bị, đàm phán hợp đồng dài, cơ chế ngoại tệ, ưu đãi đầu tư chưa thống nhất, dẫn tới chưa nhiều dự án được hiện thực hóa.

Như vậy, dù muốn khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào PPP, nhưng thực tế chưa làm được và chưa hiệu quả.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về PPP, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, là giải pháp quan trọng đầu tiên để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài theo hình thức PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật PPP. Luật PPP sẽ được xây dựng theo hướng đảm bảo tính minh bạch và khả thi cao nhất. Theo đó, các quy định về bảo lãnh Chính phủ, bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh vốn vay… sẽ được quan tâm. Đây cũng là một trong các nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm khi phát triển các dự án PPP.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP, các bộ, ngành, địa phương cũng phải chủ động truyền thông và xúc tiến đầu tư các dự án PPP tới các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Khuyến khích PPP vào hạ tầng kỹ thuật

Trong định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến khích hình thức liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để thực hiện các dự án trong các ngành, lĩnh vực có khả năng và cần phải tạo ra mối liên kết trực tiếp, qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ có hiệu quả hơn, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Việt Nam cũng sẽ khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP vào các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhất là dự án giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức mua bán và sáp nhập (M&A).

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục