Hà Nội quyết tự trả nợ gốc, lãi, phí phát sinh cho khoản vay 2.306 tỷ đồng Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019; cùng với phương án vay tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Hà Nội đã thống nhất phương án vay lại 2.306 tỷ đồng cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông Hà Nội đã thống nhất phương án vay lại 2.306 tỷ đồng cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sáng 8/7, tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu đã xem xét, thảo luận nhiều nội dung phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm, trong đó có việc hoàn thành các hạng mục của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tại báo cáo gửi HĐND TP. Hà Nội về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND TP. Hà Nội cho biết, đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.001 tỷ đồng, tương đương 868,04 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là hơn 13.867 tỷ đồng, tương đương 669,62 triệu USD, còn lại là phần đối ứng của Việt Nam.

Trong đó, phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD bao gồm hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy - toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên vào năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ký phụ lục hợp đồng tăng phần chi phí liên quan này lên 98,35 triệu USD.

Đây cũng sẽ là khoản vay chuyển giao cho Hà Nội vay lại (dự án này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển giao cho Hà Nội vận hành). Chính phủ cũng đã chấp nhận đề nghị của Hà Nội là nếu nhận chuyển giao, khoản vay được tính vào dư nợ của thành phố, nhưng không tính vào bội chi ngân sách địa phương, thành phố bố trí ngân sách địa phương để trả nợ.

Cụ thể, việc vay lại hơn 2.300 tỷ đồng này, được chia làm 3 khoản vay. Khoản thấp nhất gần 10 triệu USD, 2 khoản khác mỗi khoản hơn 41 triệu USD và 47 triệu USD. Hà Nội sẽ phải trả nợ cho ngân sách Trung ương với lãi suất 4%/năm. Dự kiến khoản vay cuối cùng sẽ được trả xong vào tháng 7/2032.

Lãi suất cho vay lại là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay lại. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí  liên quan khác, bên vay lại sẽ phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày.

Thời hạn cho vay lại sẽ tính từ khi hợp đồng có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng (21/7/2025), riêng khoản vay 47,092 triệu USD ngày trả nợ gốc cuối cùng là ngày 21/9/2032.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội giải thích, Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách, theo quy định của Luật Ngân sách, Luật Tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA.

Trên cơ sở xác định thời điểm nhận nợ là thời điểm Bộ GTVT bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động. Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội, để thành phố có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách Trung ương, ông Quyền cho hay. 

Đồng thời, phía UBND TP. Hà Nội khẳng định, căn cứ vào số liệu dư nợ hiện nay và dự kiến đến 2020, việc vay lại dự án này với giá trị khoảng 2.306 tỷ đồng không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ bố trí nguồn chi trả nợ gốc, lãi, phí và chi phí liên quan, đảm bảo thanh toán vay nợ đầy đủ, đúng hạn, theo báo cáo.

Sau phần thảo luận, các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2019 của thành phố Hà Nội cùng với phương án vay lại Dự án đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Cụ thể, các đại biểu tham gia biểu quyết 97/102 (đạt 95,1%), trong đó có 96 đại biểu tán thành (đạt 94,12%).

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.700 tỷ đồng, nhưng đến nay đã đội vốn lên trên 18.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Trung Quốc trên 13.800 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỷ đồng.

Tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo giao Bộ GT-VT phối hợp với  Hà Nội xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận trách nhiệm chủ đầu tư cho UBND thành phố Hà Nội. Theo đó Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (thuộc UBND thành phố Hà Nội) sẽ tiếp nhận khoản vay và bố trí vốn trả nợ vay lại từ năm 2018.

Tháng 11/2018, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm nhận nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án, ngân sách địa phương phải chịu trách nhiệm trả nợ ngân sách Trung ương.

Nguyễn Trang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục