Ba câu hỏi của WB về đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã đặt ra ba câu hỏi quan trọng đối với Việt Nam nhằm thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp.
Ba câu hỏi của WB về đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam

Ba câu hỏi, ba thách thức

Một cách thẳng thắn, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khi phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã nhắc tới 3 thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt, một khi muốn hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

“Muốn hội nhập sâu hơn, ngành nông nghiệp sẽ cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân. Nông nghiệp của Việt Nam sẽ phải tạo ra nhiều giá trị hơn với đầu vào ít hơn”, ông Ousmane Dione nói. 

Cụ thể, ba thách thức mà ông Ousmane Dione đề cập, đó là các chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay đang còn phân tán và rời rạc, các hoạt động hợp tác tập thể còn rất hạn chế ở cấp nông hộ, và sự phối hợp gắn kết theo chiều dọc còn yếu.

Theo ông Ousmane Dione, thì những hạn chế này đã gây cản trở cho các nhà đầu tư tư nhân trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam vì chi phí giao dịch cao bên cạnh chính sách hạn chế các công ty nước ngoài mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân.

Tiếp đó, là có chưa đến 2% giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thực hiện trong lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp. “Đây là một tỷ lệ rất nhỏ và không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Các nhà đầu tư chỉ đơn thuần mua nguyên liệu thô từ nông dân, sau đó sơ chế và xuất khẩu hàng hóa không có giá trị gia tăng sang thị trường nước ngoài, nơi mà sản phẩm được hoàn thiện và bán với giá cao hơn nhiều”, ông Ousmane Dione bày tỏ lo ngại. 

Ba câu hỏi của WB về đầu tư vào nông nghiệp của Việt Nam ảnh 1

 Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

Trong khi đó, thách thức thứ ba là giá trị vốn đầu tư hiện nay trong nông nghiệp và khả năng tiếp cận tài chính còn rất hạn chế. Cho đến nay, nông dân vẫn là những nhà đầu tư tư nhân lớn nhất trong nông nghiệp và phần lớn trong số họ chưa tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Theo ông Ousmane Dione, trong bối cảnh mà Chính phủ, trong Đề án Tái cơ cấungành nông nghiệp, đã tái xác lập mục tiêu của ngành về “bộ ba cốt lõi” để phát triển bền vững, thì có 3 câu hỏi cần được đặt ra.

Thứ nhất, cần ưu tiên đầu tư vào đâu để tạo ra tác động tối đa trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp?

Thứ hai, có thể huy động vốn từ đâu? Vốn của tư nhân, nhà nước, hay đối tác công - tư?

Và thứ ba, làm thế nào để chúng ta có thể thiết kế một khuôn khổ chính sách toàn diện để khuyến khích và đưa dòng vốn phù hợp đến đúng nơi cần đầu tư?

5 gợi ý về giải pháp

Từ ba câu hỏi này, ông Ousmane Dione đã chia sẻ năm gợi ý về “giải pháp” cho Chính phủ Việt Nam.

Thứ nhất, cần thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả và công bằng trên các thị trường nông nghiệp. Theo ông Ousmane Dione, thì Chính phủ cần đóng vai trò tích cực để tăng cường chính sách và đối thoại trong đầu tư nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư toàn cầu.

Để làm điều này, ông Ousmane Dione cho rằng, cần có một chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rõ ràng và có mục tiêu cụ thể, tập trung không chỉ vào thu hút đầu tư, mà còn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp và gia nhập thị trường; tạo niềm tin để nhà đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động của mình; đồng thời hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hoạt động đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân địa phương.

Thứ hai, tăng khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Ousmane Dione, chính sách tín dụng nên chuyển từ hỗ trợ nông nghiệp trực tiếp sang cải thiện khả năng tiếp cận của nhà đầu tư tư nhân với các công cụ quản lý rủi ro mà thông qua đó tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng.

Ông Ousmane Dione khẳng định, kinh nghiệm toàn cầu cho thấy việc sử dụng chương trình bảo lãnh tín dụng có thể nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiệu quả hơn là hỗ trợ lãi suất trực tiếp.

Thứ ba, tiếp tục tập trung vào các giải pháp đối với khu vực nhà nước. “Việt Nam có thể tiếp tục thực hiện theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công. Các chính sách và đầu tư công có thể được thiết kế để hoàn thiện thể chế và cơ sở hạ tầng thị trường, ví dụ như nâng cao tính hiệu quả của các công trình thuỷ lợi, đảm bảo quyền sử dụng đất, thị trường đất nông nghiệp, thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn hàng hóa. Những biện pháp này có thể mang lại nhiều kết quả tích cực hơn cho tăng trưởng”, ông Ousmane Dione nói.

Thứ tư, là thúc đẩy liên kết thị trường. Theo ông Ousmane Dione, liên kết những nông dân nhỏ và doanh nghiệp nông nghiệp để phát triển các liên minh sản xuất đã chứng tỏ là một cơ chế hiệu quả để tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp.

Thứ năm, công nghệ mới đang hình thành cách thức tổ chức chuỗi giá trị nông nghiệp, tạo ra những cơ hội mới và một số rủi ro.

“Điều quan trọng là Việt Nam không nên bỏ lỡ những cơ hội sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn về môi trường và xã hội”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục