Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 81 cent, tương đương 1%, lên mức 80,04 USD/thùng vào lúc 13:27 giờ GMT, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 87 cent, tương đương 1,2%, lên 74,81 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu thô thế giới kết thúc ngày giao dịch 19/12 với mức tăng hơn 1% sau khi một số công ty sắp xếp lại tuyến tàu chở dầu vì lo ngại căng thẳng leo thang, đồng thời bố trí các chuyến tàu dài ngày hơn khiến chi phí vận chuyển và bảo hiểm cùng tăng.
Hy Lạp hôm 20/12 đã khuyến cáo các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden tránh vùng biển của Yemen. Các chủ tàu Hy Lạp kiểm soát khoảng 20% số tàu thương mại trên thế giới, xét năng lực vận tải.
Mỹ hôm 19/12 đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để bảo vệ thương mại trong khu vực.
"Cho đến nay, lực lượng hải quân do Mỹ dẫn đầu nhằm giảm thiểu các cuộc tấn công của Houthi đã không thể làm giảm bớt những lo ngại ngày càng lớn về việc di chuyển, vận tải an toàn qua Biển Đỏ, bởi các hãng vận tải hàng hải lớn vẫn chọn cách tránh xa khu vực này trong bối cảnh căng thẳng", ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại công ty tư vấn giao dịch IG (Vương quốc Anh) cho biết.
Trong khi đó, phiến quân Houthi tuyên bố sẽ thách thức lực lượng hải quân do Mỹ dẫn đầu và tiếp tục nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ để ủng hộ phong trào Hamas ở Dải Gaza.
Khoảng 12% lưu lượng vận tải biển thế giới đi qua Biển Đỏ và qua Kênh đào Suez. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, mặc dù nguồn cung dầu mỏ đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng trên Biển Đỏ và ở khu vực Trung Đông, nhưng vẫn chưa gây ra tình trạng thiếu hụt dầu mỏ.
Nhà phân tích Ole Hansen tại ngân hàng Saxo (Đan Mạch) đánh giá: "Miễn là hoạt động sản xuất không bị đe dọa thì thị trường cuối cùng sẽ điều chỉnh để thay đổi tuyến vận tải".
Còn ông Tamas Varga từ công ty môi giới giao dịch dầu mỏ PVM cho hay: "Sẽ không phải là một suy nghĩ quá xa vời khi cho rằng sự tăng giá hiện tại là do kỳ vọng cắt giảm lãi suất, lợi suất trái phiếu giảm và thị trường đồng đô la Mỹ cũng như chứng khoán lành mạnh cộng thêm căng thẳng địa chính trị".
Dữ liệu gần đây cho thấy động thái của các ngân hàng trung ương nhằm dập tắt tình trạng lạm phát khó khăn ở châu Âu đã đem lại hiệu quả đáng kể.
Dữ liệu cho thấy chỉ số giá sản xuất của Đức trong tháng 11 đã giảm sâu hơn dự kiến. Tương tự, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 11 cũng đã xuống thấp khi chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lạm phát ở Anh trong tháng 11 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, củng cố thêm khả năng cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch vẫn nuôi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 150 điểm cơ bản vào năm 2024. Hy vọng này càng được củng bố vào tuần trước sau khi Fed đề ra kế hoạch cắt giảm lãi suất mạnh hơn vào năm tới.
Một động thái khác đẩy giá dầu tăng cao là việc Mỹ đã mua vào 2,1 triệu thùng dầu thô giao vào tháng 2/2024 trong bối cảnh Washington tiếp tục bổ sung nguồn dự trữ dầu mỏ.
Theo công bố ngày 20/12 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng lên trong tuần trước. Trong đó, tồn kho dầu thô tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 15/12 lên 443,7 triệu thùng, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức giảm 2,3 triệu thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng cho hay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước, tăng so với mức cao nhất mọi thời đại trước đó là 13,2 triệu thùng/ngày.