Dầu thô lao dốc, chứng khoán, giá vàng chưa thể tăng

(ĐTCK) Thông tin về kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng vọt đã đẩy giá dầu thô lao dốc trong phiên cuối cùng của tháng 8, trong khi lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất khiến chứng khoán và giá vàng tiếp tục giảm.
Dầu thô có 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Dầu thô có 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán

Theo dữ liệu vừa công bố, số việc làm tạo thêm trong khu vực từ nhân (ADP) của Mỹ trong tháng 8 là 177.000 việc làm, nhỉnh hơn so với con số dự báo 175.000 việc làm của giới phân tích. Số lượng việc làm ADP trong tháng 7 cũng được điều chỉnh tăng lên 194.000 việc làm từ con số công bố ban đầu là 179.000 việc làm.

Sau bảng lương ADP, vào thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố bảng lương trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng 8. Theo dự báo trước đó của giới phân tích, số việc làm tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ là 178.000 việc làm, thấp hơn con số 217.000 trong tháng 7. Hiện dự kiến con số này là 180.000 việc làm.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ xuống còn 4,8% trong tháng 8 từ mức 4,9% của tháng trước.

Thông tin tích cực của thị trường lao động càng củng cố về khả năng tăng lãi suất của Fed và khiến giới đầu tư thận trọng hơn nữa, khiến phố Wall có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Ngoài ra, sự sụt giảm của cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lao dốc cũng tác động tiêu cực tới chứng khoán Mỹ trong phiên cuối cungf của tháng 8.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Dow Jones giảm 53,42 điểm (-0,29%), xuống 18.400,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,17 điểm (-0,24%), xuống 2.170,95 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,77 điểm (-0,19%), xuống 5.213,22 điểm.

Phiên giảm điểm cuối cùng của tháng đã lấy hết số điểm dương ít ỏi của lại của Dow Jones và S&P 500, trong khi Nasdaq có được mức tăng khiêm tốn nhờ có chuỗi tăng ấn tượng đi ngược với 2 chỉ số còn lại với sự hỗ trợ của một số mã lớn có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II. Cụ thể, trong tháng 8, Dow Jones giảm 0,17%, S&P 500 giảm 0,12%, trong khi Nasdaq tăng 0,99%. Đây cũng là tháng giảm điểm đầu tiên của S&P 500 kể từ tháng 2.

Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư sau phiên tăng tốt trước đó do lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất và ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô lao dốc. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đà giảm điểm của các chỉ số chính của khu vực được hãm bớt.

Phiên giảm điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng chỉ lấy bớt đi số điểm dương có được trong tháng 8 của các chỉ số chính khu vực.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,15 điểm (-0,52%), xuống 6.785,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 48,43 điểm (-0,45%), xuống 10.609,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,73 điểm (-0,17%), xuống 4.449,76 điểm.

Trong tháng 8, chỉ số FTSE tăng 0,91%, chỉ số DAX tăng 2,63% và chỉ số CAC40 tăng  0,22%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc khả năng Fed tăng lãi suất cao dần đã khiến đồng USD tăng mạnh so với đồng yên, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản được hưởng lới. Qua đó, kéo chứng khoán Nhật Bản hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối cùng của tháng sau phiên điều chỉnh trước đó. Phiên tăng điểm này đã củng cố thêm đà tăng của Nikkei 225 trong tháng 8.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì đà tăng trong phiên cuối tháng, nới rộng thêm đà tăng trong tháng 8.

Trong khi đó, dù điều chỉnh trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó, nhưng chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông cũng đang dao động quanh mức cao nhất 10 tháng và có tháng tăng điểm ấn tượng.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 162,04 điểm (+0,97%), lên 16.887,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 39,23 điểm (-0,17%), xuống 22.976,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 10,81 điểm (+0,35%), lên 3.085,48 điểm.

Trong tháng 8, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,92%, chỉ số Hang Seng tăng 4,96% và chỉ số Shanghai Composite cũng có thêm 3,56%.

Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh trong tháng 8 là nhờ thông tin về kết nối giao dịch giữa Sàn chứng khoán Hồng Kông và Sàn chứng khoán Thâm Quyến, tạo kỳ vọng sẽ có dòng tiền lớn từ đại lục chảy vào chứng khoán Hồng Kông.

Trên thị trường vàng, dù phục hồi và duy trì đà tăng tốt trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu, tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, dữ liệu việc làm tích cực, cùng đồng USD tiếp tục tăng và hiện ở mức cao nhất 3 tuần đã đẩy giá vàng quay đầu giảm trở lại.

Kết thúc phiên 31/8, giá vàng giao ngay giảm 2,0 USD (-0,15%), xuống 1.308,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,1 USD (-0,39%), xuống 1.311,4 USD/ounce.

Trong tháng 8, giá vàng giao ngay giảm 3,1%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 12 cũng mất 2,84% giá trị.

Không chỉ chịu sức ép từ việc đồng USD đang ở mức cao nhất 3 tuần, giá dầu thô trong phiên cuối tuần còn nhận thông tin tiêu cực từ Mỹ.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, kho dự trữ tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự đoán 921.000 thùng của các nhà phân tích.

Ngoài ra, sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm cũng bất ngờ tăng 1,5 triệu thùng, trong khi hàng tồn kho xăn giảm 691.000 thùng.

Thông tin trên đã làm thị trường dầu thô chao đảo, đẩy giá loại nhiên liệu này lao dốc mạnh hơn 3% trong phiên cuối cùng của tháng 8.

Kết thúc phiên 31/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,65 USD/thùng (-3,34%), xuống 44,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,33 USD (-2,75%), xuống 47,04 USD/thùng.

Dù có 3 phiên giảm mạnh liên tiếp, nhưng với những cuỗi tuần tăng ấn tượng trước đó nhờ thông tin về đóng băng sản lượng của các nhà sản xuất lớn, giá dầu thô vẫn có tháng tăng ấn tượng. Cụ thể, trong tháng 8, giá dầu thô Mỹ tăng 7,45%, trong khi giá dầu thô Brent tăng 10,79%. Đây là tháng tăng tốt nhất của dầu thô Brent kể từ tháng 4.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục