Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế

0:00 / 0:00
0:00
Theo dự kiến, Ngân hàng Nhà nước(NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế. Dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và ứng dụng TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và ứng dụng

Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ra đời, thị trường vàng Việt Nam “một mình một chợ”, cao hơn giá thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng. Hôm nay, NHNN tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung ra thị trường. Theo ông, giải pháp này có kéo giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế?

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song tôi cho rằng, sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Cho nên, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trước năm 2012 (trước khi Nghị định 24 ban hành), thị trường vàng không xảy ra tình trạng này, mà sau khi Nghị định 24 ra đời thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng? Nguyên nhân là trước năm 2012, hàng năm vẫn đều đặn có một lượng vàng nhất định được cung ứng cho thị trường, nên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ 1-2 triệu đồng/lượng. Từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.

Vậy giải pháp căn cơ để thu hẹp chênh lệch giá vàng là gì, thưa ông?

Đầu tư, tích trữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân. Tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng. Từ đó, có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để NHNN cấp quota (hạn ngạch) cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhằm tăng nguồn cung. Đều đặn bổ sung nguồn cung như vậy, chênh lệch cung cầu, chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần.

Người dân đang tăng nắm giữ vàng, NHNN tăng cung vàng ra thị trường. Điều này liệu có dẫn tới nguy cơ vàng hóa nền kinh tế như một số ý kiến lo ngại không, thưa ông?

Vàng hóa chỉ xảy ra cách đây 30 năm, hiện nay, vàng hóa không có cơ sở. Người dân mua nhà, mua đất, mua xe… có ai tính bằng vàng không?

Còn với nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân, theo tôi là rất bình thường, không có gì đáng lo. Một quốc gia có thể tích lũy tài sản từ giá trị gia tăng, đó có thể là tích lũy ở đất, ở tiền gửi ngân hàng, ở vàng, ngoại tệ… Nước ta đã cho phép người dân được nắm giữ vàng, ngoại tệ, đất.

Thậm chí, tôi cho rằng, với nền kinh tế thì tích lũy vàng còn tốt hơn là tích lũy đất. Lý do là đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế (đất tăng giá dẫn tới giá thuê đất tăng, khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài…). Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào.

Dù tích lũy tài sản là nhu cầu chính đáng của người dân, song nếu người dân cứ đổ tiền vào vàng hay đất mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh, thì nền kinh tế cũng gặp bất lợi?

Chúng ta thấy, chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng quốc tế quy đổi được đẩy lên cao nhất trong 3 năm qua (hiện nay chênh lệch hơn 400 USD/lượng) chính là trong giai đoạn thị trường bất động sản suy thoái, nên người dân chạy theo vàng. Cầu tăng mà cung không tăng thì sẽ dẫn tới chênh lệch giá cao.

Nếu trong lúc này mà quyết tâm không cho chảy máu ngoại tệ thì chúng ta sẽ lại quay về nền kinh tế kế hoạch, duy ý chí, mà cuối cùng cũng không giữ được ổn định thị trường vàng. Nếu không “liên thông có kiểm soát” với thị trường vàng thế giới, thị trường vàng trong nước sẽ méo mó.

Để người dân không chạy theo vàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu người dân lo ngại tiền đồng mất giá, họ sẽ lao vào đất, vào vàng. Nếu người dân thấy tiền đồng được bảo đảm, lạm phát thấp, thì dần dần sẽ gửi tiền vào ngân hàng. Nói cách khác, nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió.

Rất mừng là mấy năm gần đây, Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tiền đồng, giá bất động sản đã giảm và vàng từ từ rồi cũng sẽ bình ổn nếu chúng ta cho phép nhập khẩu để liên thông.

Tỷ giá đang nóng lên trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không hạ lãi suất sớm như dự báo. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, tỷ giá có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Với chênh lệch giá vàng hiện nay, có ai dám khẳng định không có vàng nhập lậu. Nhập lậu vàng thì chẳng lẽ lại dùng tiền Việt? Chênh lệch càng cao thì nhập lậu càng mạnh, USD lại tiếp tục chảy ra chợ đen. Cho nên, nếu không đưa chênh lệch giá vàng về mức hợp lý, thì không chỉ thị trường vàng rối loạn, mà USD vẫn chảy máu.

Hiện nay, ngoài nhập khẩu thì chúng ta cần huy động nguồn ngoại tệ để trả nợ quốc gia, phục vụ nhu cầu của người dân (du học, du lịch nước ngoài…). Chỉ nhìn vào cán cân thương mại là không đủ, muốn có ngoại tệ dồi dào cần phải đẩy nhanh giải ngân vốn FDI. Năm 2024, giải ngân vốn FDI không giảm, song không tăng như kỳ vọng. Chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác này thì mới đảm bảo được nguồn cung ngoại tệ, bảo vệ tỷ giá.

Dù vậy, tôi cho rằng, tỷ giá từ nay đến cuối năm không quá đáng ngại.

Thùy Liên thực hiện
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục