Đầu năm “xông đất” cầu may cho doanh nghiệp

(ĐTCK) “Bắt tay” vào việc ngay từ đầu năm, với niềm tin năm nay, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn năm cũ là nét chung tại một số doanh nghiệp niêm yết mà ĐTCK ghi nhận được. Cùng với sức sống sản xuất kinh doanh, cơ hội kiếm tiền trên TTCK được nhiều thành viên thị trường mong đợi sẽ tốt hơn trong năm Giáp Ngọ này. 

“Năm 2014, Hà Đô đặt mục tiêu cao hơn năm cũ”

Đầu năm “xông đất” cầu may cho doanh nghiệp ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Tô

 
Phó chủ tịch HĐQT CTCP

Tập đoàn Hà Đô (HDG)

Theo tôi, năm 2014, tồn kho BĐS  vẫn là vấn đề lớn. Thị trường BĐS còn khó khăn, trước sức ép phải trả lãi vay ngân hàng, xu hướng giảm giá sẽ còn tiếp diễn. Trong xu thế  đó, việc các DN cạnh tranh nhau về  giá cả sẽ là phương án tối ưu nhất để giải quyết nhanh chóng số lượng căn hộ tồn kho hiện nay.

Đối với HDG, trong năm 2014, Công ty đặt mục tiêu cao hơn năm cũ. Theo đó, doanh thu hợp nhất 1.746 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2013, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 223 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2013. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành các hạng mục của hai dự án lớn là Nguyễn Văn Công và Hà Đô Park View. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những dự án lớn khác như Khu đô thị Noongtha (Viêng Chăn - Lào); Dự án quận 12, TP. HCM; Dự án Sư Vạn Hạnh quận 10…

HDG là một trong số ít DN ngành BĐS không chịu sức ép từ việc vay nợ. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng của Công ty thường xuyên chiếm tỷ trọng chỉ 1% - 2% tổng doanh thu. Có được điều này là do hầu hết dự án của Công ty đều được triển khai từ nguồn vốn tự có và nguồn vốn huy động trước của khách hàng. Cách làm này của HDG khiến DN giảm thiểu được tối đa rủi ro trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn cao, thị trường tiêu thụ kém.

“NLG đặt kế hoạch bán 2.000 căn hộ Ehome năm 2014”

Ông Lê Minh Khánh Giám đốc Phát triển Kinh doanh CTCP Đầu tư Nam Long (NLG)

Năm 2014, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, riêng phân khúc căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình, tức những sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, tôi tin rằng, vẫn lên ngôi do nhu cầu còn rất cao.

Trước nhận định đó, cộng thêm kết quả bán hàng tốt, bán được hơn 1.000 căn hộ trong năm 2013, NLG tự tin đặt kế hoạch bán khoảng 2.000 căn hộ Ehome trong năm 2014, gồm 900 căn Ehome3, 600 căn Ehome 4, 340 căn Ehome 5 và 100 căn Ehome 6. Đối với dự án Ehome 6, NLG sẽ khởi công xây dựng trong quý III và bắt đầu bán hàng trong quý IV năm 2014. Trong trường hợp tiến độ bán hàng tốt, NLG sẽ triển khai xây dựng Ehome 7 vào cuối năm, nếu không sẽ khởi công vào đầu năm 2015.

Chúng tôi cho rằng, cơ sở để đặt kế hoạch bán số lượng căn hộ gấp đôi mức thực hiện năm 2013 là dựa vào những kết quả đạt được từ năm 2008 đến nay và bí quyết bán hàng của NLG là thực hiện đúng những cam kết với khách hàng. “Tiếng lành đồn xa” đã giúp NLG phát triển và bán tốt sản phẩm Ehome.

Về kế hoạch phát hành 25,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, NLG cũng đã đi đến bước cuối cùng và sẽ sớm công bố. Dự kiến nguồn vốn gần 500 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành này sẽ được sử dụng vào việc phát triển các dự án căn hộ Ehome và phát triển quỹ đất của dòng sản phẩm này.

“Hy vọng doanh nghiệp sẽ bớt khó nhờ vĩ mô tốt hơn”

Đầu năm “xông đất” cầu may cho doanh nghiệp ảnh 2

Ông Lê Văn Tam 

 - Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS)

Với các DN trong ngành mía đường, vụ ép mía niên vụ 2012-2013 diễn ra trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, do thị trường mía đường trong nước và thế giới đang giảm sâu, sức cầu chậm được cải thiện… Tuy nhiên, để tận dụng tín hiệu vĩ mô đang tốt dần, LSS đang triển khai nhiều giải pháp. Trong vụ ép mía năm nay, tổng sản lượng mía theo tính toán của LSS ước đạt 1 triệu tấn.

Ngoài tập trung nguồn lực cho thu mua, ép mía, LSS đã xây dựng kế hoạch trồng mía, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho vụ ép các năm sau với mục tiêu trong niên vụ năm 2013-2014, tổng diện tích trồng mía đạt 17.000 héc-ta, trong đó, diện tích trồng mới là 7.000 héc-ta. Để đạt mục tiêu này, trong niên vụ ép sắp tới, LSS sẽ đầu tư ứng trước cho người trồng mía: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đồng thời làm đầu mối đứng ra bảo lãnh cho các hộ trồng mía vay vốn ngân hàng phục vụ đầu tư sản xuất. LSS đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa, nhằm bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định, tăng thu nhập cho người trồng mía. LSS cũng đang đẩy nhanh quá trình thoái vốn tại các dự án, các khoản đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, để tập trung nguồn lực đầu tư cho ngành lõi là mía đường, cồn.

“Năm 2014, TCM sẽ tiếp đà tăng trưởng tốt của năm cũ”

Ông Trần Như Tùng thành viên HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM)

Từ ngày mùng 6 Tết Giáp Ngọ, các nhà máy may của TCM đã bắt đầu hoạt động trở lại để kịp giao hàng đúng hẹn cho khách hàng. TCM đã nhận đơn hàng cho sản xuất đến hết tháng 4/2014, trong khi trước Tết, các nhà máy may của TCM đã luôn chạy hết công suất. Đây là dấu hiệu đáng mừng khi bước vào năm Giáp Ngọ đã phải “luôn tay luôn chân”.

Sang năm 2014, TCM tự tin đạt kết quả tăng trưởng tốt và sẽ tốt hơn nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào cuối năm, có hiệu lực từ đầu năm 2015. Tiếp đà tăng trưởng của năm 2013, TCM mạnh dạn đặt kế hoạch doanh thu khoảng 2.750 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 160 tỷ đồng. So với kết quả ước đạt năm 2013, lợi nhuận sau thuế 122 tỷ đồng, vượt 35% kế hoạch lợi nhuận thì kế hoạch lợi nhuận của TCM trong năm 2014 có sự vượt trội. Kế hoạch này được xây dựng trên tiềm năng và đà tăng trưởng của TCM, chưa tính thêm tác động từ TPP. 

Năm 2014, sản phẩm vải, áo không có thay đổi nhiều, nhưng đối với sản phẩm sợi thì TCM có kỳ vọng đạt được lợi nhuận tốt hơn. Trong năm 2013, biên lợi nhuận của mặt hàng sợi bị giảm, do TCM vẫn còn những lô bông mua với giá cao. Sau khi thay đổi chiến lược mua bông, với tỷ lệ mua trên thị trường giao ngay và trên thị trường kỳ hạn là 80/20, đến năm 2014, những lô bông giá cao không còn, biên lợi nhuận của sản phẩm sợi sẽ được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, TCM có lợi thế khép kín, tiết giảm được chi phí nhờ ứng dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho toàn bộ nhà máy. Cộng hưởng tất cả các yếu tố đó, TCM tự tin đạt được kế hoạch đề ra.

“Cơ hội kiếm tiền trên TTCK năm nay tốt hơn năm ngoái”

Đầu năm “xông đất” cầu may cho doanh nghiệp ảnh 3

Ông Trịnh Hoài Giang Phó Tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC)

Năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục có những diễn biến tích cực hơn so với năm ngoái, không chỉ thể hiện ở kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức uy tín quốc tế, mà còn trong diễn biến nội tại của nền kinh tế.

Cụ thể, nhờ dự trữ ngoại hối và các cân đối lớn của nền kinh tế ở trạng thái tích cực, nên giúp cho tỷ giá vẫn ổn định trong năm 2014, trong khi đây đang là “gót chân Asin” của nhiều thị trường mới nổi. Điều này mang lại kỳ vọng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm 2014 sẽ chịu không ít sức ép rút vốn và nhiều khả năng sẽ ở trạng thái dương. Mặt bằng lãi suất so với hơn 2 năm trước đây hiện khá thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này đang tiếp sức tốt cho hoạt động của DN. Cùng với đó, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm dần, nên số lượng DN có kết quả kinh doanh tích cực đang tăng dần.

Với những tín hiệu tích cực trên, TTCK trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ diễn biến tích cực hơn so với năm ngoái. Qua đó, cơ hội kiếm tiền trên TTCK trong năm 2014 sẽ tốt hơn năm ngoái.

Để tận dụng tối đa các cơ hội do TTCK mang lại, nhằm đạt mục tiêu kết quả kinh doanh trong năm 2014 cao hơn năm ngoái, HSC đang tập trung chuẩn hóa hệ thống quy trình nghiệp vụ, nhất là an toàn thông tin, quản trị rủi ro... HSC sẽ đầu tư chiều sâu tối ưu hóa nghiệp vụ môi giới, nhằm duy trì ngôi vị số một hiện tại. Với hoạt động tự doanh, HSC sẽ tiếp tục triển khai thận trọng, trong đó ưu tiên tăng tỷ lệ vốn đầu tư vào cổ phiếu, giảm tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu do mặt bằng lãi suất đang ổn định. Để mở rộng dư địa phát triển trong những năm tới, HSC đang nghiên cứu triển khai quỹ ETF, các sản phẩm phái sinh…

“TTCK sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn”

Đầu năm “xông đất” cầu may cho doanh nghiệp ảnh 4

Ông Hoàng Đình Lợi - Tổng giám đốc CTCK SHS

Năm 2014, mặc dù kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết như nợ xấu, thâm hụt ngân sách, tổng cầu thấp, nhưng theo tôi, bối cảnh vĩ mô sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ổn định và khả quan hơn khi lạm phát, tỷ giá không biến động nhiều, lãi suất ở mức thấp, vốn FDI tiếp tục tăng trưởng. Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ sẽ hướng vào tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.

Đối với TTCK, với diễn biến đi lên của nền kinh tế và những chủ trương, giải pháp mạnh để đẩy mạnh cổ phần hóa và niêm yết các DN lớn, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, triển khai quỹ ETF nội, ban hành nghị định về chứng khoán phái sinh… tôi tin rằng, TTCK sẽ thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của nhà đầu tư. Với các DN, vai trò dẫn vốn trung, dài hạn của TTCK sẽ ngày càng thể hiện rõ nét.

Năm 2014, chúng tôi xác định, ngoài việc dành tỷ trọng hợp lý cho hoạt động tự doanh để tận dụng tốt các cơ hội có được, SHS sẽ tập trung đẩy mạnh cả về quy mô và chất lượng các hoạt động môi giới và tư vấn.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường cung cấp đa dạng, kịp thời các sản phẩm dịch vụ tài chính và đẩy mạnh các giải pháp về công nghệ, nhân sự, tư vấn…, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Phan Hằng - Hải Vân - Hữu Hòe - Phong Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục