Đầu năm 2016: Thi hành xong trên 200.000 án dân sự

Sáng 15/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2016 với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Báo cáo sơ kết được trình bày tại Hội nghị khẳng định, trong những tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, Chương trình trọng tâm công tác thi hành án dân sự, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, tổng số việc phải thi hành là 541.590. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 438.995 việc, giảm 80.512 việc (15,5%) so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 81,06% trong tổng số phải thi hành; số chưa có điều kiện thi hành là 102.595 việc, chiếm 18,94% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 212.587 việc, tăng 10.626 việc (tăng 5,26% so với cùng kỳ năm 2015); đạt tỉ lệ 48,43% (tăng 9,55% so với cùng kỳ năm 2015).

Về tiền, tổng số phải thi hành là trên 111.920 tỉ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 92.700 tỉ, giảm gần 1.400 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015; chiếm 82,83% trong tổng số phải thi hành. Số chưa có điều kiện thi hành là trên 19.216 tỉ đồng, chiếm 17,17% trong tổng số phải thi hành. Trong số có điều kiện thi hành, số thi hành xong là trên 9.329 tỉ đồng, tăng trên 14,5% so với cùng kỳ năm 2015; đạt tỉ lệ 10,06% (tăng 1,41% so với cùng kỳ năm 2015).

Trong đôn đốc thi hành án hành chính, đã tiếp nhận 182 việc, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015, kết quả đã có văn bản đôn đốc 175 việc và có 87 việc đã thi hành xong.

Ngoài ra, công tác thi hành án đối với các khoản thu cho Ngân sách Nhà nước; thi hành các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng; việc xem xét miễn giảm thi hành án; tình hình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, công tác xây dựng đề án, văn bản; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; công tác kiểm tra; công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo… cũng được tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai.

 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Những nhiệm vụ trọng tâm được xác định đối với công tác thi hành án dân sự những tháng cuối năm 2016 là tiếp tục triển khai đồng bộ các mặt công tác thi hành án dân sự, hành chính. Trong đó tập trung, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội giao theo Nghị quyết 111/2015/QH13, nhất là chỉ tiêu thi hành án xong về việc và về tiền.

Tập trung cao độ chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, kịp thời và tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả các băn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật.

Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm tra đột xuất; thực hiện tốt cơ chế hậu kiểm.

Tích cực đẩy mạnh triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống thi hành án dân sự; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục