Theo dự thảo, hàng cho chợ OTC là chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết, được đưa vào hệ thống tổng hợp giao dịch của TTGDCK Hà Nội, đã được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và được một CTCK làm thủ tục đăng ký giao dịch. Mỗi chứng khoán có một mã, không trùng với các mã đã được cấp phép trên sàn TP. HCM và Hà Nội. Nhà đầu tư thực hiện giao dịch tại CTCK và chỉ được mở 1 tài khoản duy nhất, trường hợp đã có tài khoản giao dịch chứng khoán niêm yết thì sẽ dùng ngay tài khoản này.
Phí giao dịch chờ ý kiến hay
Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho phương án trên do UBCKNN tổ chức ngày 2/8, một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là phí giao dịch. Theo dự thảo, phí giao dịch tạm thời sẽ do CTCK đưa ra nhưng mức thu không vượt quá mức trần đang áp dụng đối với giao dịch chứng khoán niêm yết. Theo ông Quách Mạnh Hào, Trưởng nhóm phân tích và đầu tư CTCK Thăng Long, nếu không đưa biên độ giá thì các CTCK sẽ khó thu phí khách hàng. Công ty này đề xuất thực hiện biên độ giá 20%, cao gấp đôi so với giao dịch trên sàn Hà Nội.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, cần thiết phải có giá tham chiếu cho các chứng khoán trên thị trường OTC. Mức giá này không nhất thiết xác định theo ngày hôm trước mà do CTCK đưa ra trong từng thời kỳ, bản thân các công ty phải có trách nhiệm khi đưa ra các mức giá và phí có thể tính dựa trên giá tham chiếu. Ông cũng khuyến nghị UBCKNN đưa ra quy định về mức sàn áp với phí môi giới để tránh tình trạng đua nhau giảm phí, cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài băn khoăn về phí giao dịch, nhiều đại diện tham gia hội thảo tỏ ra lo ngại về hạ tầng phục vụ giao dịch OTC. Liên quan đến vấn đề này có thể thấy, hiện mỗi CTCK có hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, để giao dịch thông suốt, hệ thống kết nối giữa các công ty, Trung tâm Giao dịch và Trung tâm Lưu ký phải đồng bộ. Ông Hưng đề xuất, trong trường hợp cần thiết, các công ty thành viên có thể đóng góp để xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin đủ lớn, một trang web đủ mạnh để giúp nhà đầu tư có một địa chỉ tìm kiếm những thông tin cần thiết khi quyết định đầu tư.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cần thiết kế bảng thông tin điện tử sao cho tập trung, dễ theo dõi, trên đó thể hiện được các lệnh mua bán bởi nhà đầu tư khi ra quyết định đều mong muốn nắm được cung cầu trên thị trường, từ đó có thể xác định giá mua bán hợp lý. Còn theo ông Phan Minh Tuấn, Trưởng đại diện Dragon Capital tại Hà Nội, với quy mô thị trường niêm yết còn nhỏ bé như hiện nay, cơ sở hạ tầng đã bắt đầu có vấn đề. Tuy nhiên, khi nâng cấp hệ thống, Trung tâm Giao dịch cần có sự trao đổi với CTCK để họ có thể chủ động xây dựng hoặc mua các phần mềm tương thích, thay vì mỗi nơi đầu tư tự phát theo một kiểu như hiện nay.
Bán cổ phiếu OTC, ngân hàng kẹt
Đại diện cho công ty đại chúng, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank tỏ ra quan ngại rằng, nếu không có những quy định cụ thể, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng sẽ rắc rối. Hiện nay, mỗi khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng đều phải xin phép Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, nếu theo các quy định về giao dịch OTC như dự thảo đề cập, quy trình này không cần thiết. “Bản thân VP Bank cũng không muốn cổ phiếu của mình giao dịch tự do với các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi chỉ bán cho tổ chức nước ngoài kèm điều kiện hỗ trợ Ngân hàng, chứ chỉ lợi về giá thì không muốn”, ông Sơn nêu vấn đề.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn, Phó ban Phát triển thị trường UBCKNN cho biết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một Thông tư liên tịch về việc phối hợp giám sát, quản lý trên thị trường tiền tệ. Quy định về việc bán cổ phần những ngành, nghề nhạy cảm như ngân hàng sẽ được đề cập trong Thông tư, chứ không để thị trường OTC vận hành rồi cứ nảy sinh trường hợp nào ngoài quy định lại phải đi xin phép.
Ý kiến người trong cuộc Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc TTGDCK Hà Nội Hiện tại, chưa có quy định cụ thể về mức phí song dự kiến của UBCKNN là không cao hơn mức phí thu từ các giao dịch chứng khoán đang niêm yết. Có 2 cách thu đang được tính toán. Thứ nhất là, tính theo giá trị giao dịch. Nhược điểm của cách tính này là nhà đầu tư có thể tìm cách hạ thấp xuống để tránh phí. Thứ hai là tính theo mệnh giá, song có những giao dịch giá trị thực tế rất lớn, gấp 10 - 20 lần mệnh giá nên thu phí theo mệnh giá là không hợp lý. Khi xây dựng phương án tính phí, chúng tôi cũng xem xét, tham khảo kinh nghiệm của các nước, song các nước không có thị trường giống như chúng ta mà họ có các nhà tạo lập thị trường. Họ mua bán chứng khoán và giá chênh lệch đủ để trả phí cho họ. Thông thường, nhà đầu tư phải trả tiền để mua dịch vụ hoặc duy trì tài khoản và trả phí trọn gói. Hiện phí giao dịch chứng khoán khống chế mức trần 0,45%. Dự thảo cũng chưa có quy định chắc chắn, chúng tôi còn tham khảo nhà đầu tư, CTCK và quyết định cuối cùng vẫn ở phía UBCKNN. Ngay cả trường hợp biểu phí đã được đưa ra, thời gian thực hiện ban đầu không hợp lý, thị trường phản ứng thì biểu phí cũng sẽ được chỉnh sửa.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Bảo Việt Việc tổ chức thị trường đăng ký giao dịch của công ty đại chúng là một bước tiến lớn của cơ quan quản lý TTCK để minh bạch dần thị trường cổ phiếu chưa niêm yết. Tuy nhiên, để tổ chức được thị trường này, còn nhiều vấn đề phải bàn như kỹ thuật kết nối giao dịch, kênh công bố thông tin… Liên quan đến phí giao dịch, theo tôi, nếu không có biên độ giá thì nhà đầu tư có thể thông đồng với nhau đưa ra mức giá không thực tế để giảm phí, do vậy, vẫn cần có biên độ giá và mức phù hợp có thể là 20-30%. Trong trường hợp không áp dụng biên độ, cơ quan quản lý nên trao cho CTCK quyền từ chối giao dịch của nhà đầu tư nếu giá không phù hợp với giá thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Liên quan đến công bố thông tin, dự thảo quy định công ty đại chúng cần công bố thông tin qua CTCK, nhưng quy định như vậy có thể dẫn đến giao dịch nội gián. Do đó, cần tuyên truyền cho công ty đại chúng biết được quyền lợi cũng như nghĩa vụ của việc công bố thông tin, đồng thời khuyến cáo họ xây dựng trang web điện tử và thời gian công bố thông tin nên là 6 tháng, thay vì quy định đặt ra trong dự thảo là 1 năm. Quy định cho phép nhà đầu tư vừa mua vừa bán cùng một loại chứng khoán trong cùng một ngày giao dịch như trong dự thảo có thể gây ra tình trạng vừa hưởng phí môi giới, vừa kiếm lời từ hoạt động tự doanh của các CTCK. Nên chăng, cần có sự điều chỉnh đối với hoạt động của các CTCK, có thể đưa thoả thuận giao dịch vào hệ thống tập trung từ 13h -16h tất cả các ngày làm việc. Về việc quản lý thị trường OTC, UBCK vẫn chưa nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường, kể cả CTCK.
Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng VPBank Ngoài việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch trên thị trường OTC, UBCK cần chỉ đạo 2 Trung tâm tổ chức, hướng dẫn các quy trình cho các CTCK, công ty đại chúng sao cho ngắn gọn, chi tiết để dễ thực hiện, tránh tình trạng mơ hồ, hiểu sai. Về đầu tư công nghệ, cần đầu tư bài bản, hiện đại, đáp ứng được sự phát triển của TTCK trong thời gian ít nhất là 5 năm. Nên hướng tới đầu tư phần mềm chứng khoán quốc tế, tránh sử dụng phần mềm trong nước không đạt tiêu chuẩn. UBCK nên yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin, song cũng cần có cơ chế cung cấp thông tin từ các Trung tâm, CTCK cho các công ty về những giao dịch bất thường. Cần có giá tham chiếu cho giao dịch trên thị trường OTC, có thể là giá bình quân gia quyền trong ngày giao dịch, nhằm làm cơ sở cho các giao dịch sau đó, chống giao dịch thao túng thị trường, tránh khả năng bị chèn ép giá đối với nhà đầu tư nhỏ, đồng thời đảm bảo cơ sở cho việc tính phí của các CTCK. Còn về biên độ, nên để thị trường tự điều chỉnh, nếu không, có thể đưa ra biên độ theo hướng lớn hơn thị trường niêm yết, như biên độ 20% chẳng hạn. Việc quản lý thị trường OTC cần có chế tài xử lý, coi đây là bước đệm cho công ty đại chúng bước dần vào thị trường niêm yết. |