Đâu là nhân tố định hướng giá dầu?

(ĐTCK) Sau khi cuộc họp giữa các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới tại Doha thất bại trong việc tìm được tiếng nói chung về vấn đề sản lượng, giới phân tích cho rằng, chính những nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, những người góp phần tạo ra tình trạng nguồn cung vượt nhu cầu như hiện nay, có thể trở thành động lực lớn nhất giúp chấm dứt tình trạng này.
Đâu là nhân tố định hướng giá dầu?

Edward Morse, Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa toàn cầu tại Citigroup cho rằng: “Mỹ luôn là một nhân tố tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ, cũng như giá “vàng đen” nói chung. Do đó, quốc gia này sẽ là tác nhân lớn giúp tái cân bằng thị trường”. Ông Morse dự đoán, sản lượng dầu mỏ từ nhóm bên ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm 1,3 triệu thùng trong năm nay, trong đó riêng sản lượng cắt giảm từ Mỹ là khoảng 600.000 thùng.

Trên thực tế, sự phát triển của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ là lực đẩy lớn kéo sản lượng dầu mỏ của nước này tăng mạnh hơn 4 triệu thùng trong vòng 5 năm qua và cũng là nguyên nhân lớn nhất “làm ngập” thị trường dầu mỏ thế giới.

Giá dầu giảm sâu ảnh hưởng xấu tới các nhà sản xuất dầu mỏ, đặc biệt là các nền kinh tế phụ thuộc chính vào xuất khẩu “vàng đen”, khiến họ buộc phải cắt giảm ngân sách và chi tiêu công để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu. Tuần qua, nhiều công nhân dầu mỏ tại Kuwait đã tiến hành đình công và biểu tình do lương và phúc lợi bị cắt giảm bắt nguồn từ giá dầu giảm.

Các cuộc biểu tình nổ ra sau khi giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, buộc chính quyền Kuwait phải cân nhắc các biện pháp giảm lương và các khoản phụ cấp, tiền thưởng cho khoảng 20.000 nhân công làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ.

Trong bối cảnh đó, OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt khác ngoài khối đã tiến hành họp cuối tuần qua tại Doha, song không có thỏa thuận “đóng băng” sản lượng nào được đưa ra. Ả rập Xê út, nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC, vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Iran phải là một phần trong thỏa thuận chung. Tuy nhiên, Iran từ chối tham gia vào bất kỳ thỏa thuận đóng băng sản lượng nào và quyết định không tham gia cuộc họp.

Động thái của Ả rập Xê út cũng phát đi một tín hiệu trực tiếp rõ ràng từ Phó hoàng thái tử Mohammad bin Salman rằng, sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có Iran, và Ả rập Xê út thậm chí có thể tiếp tục tăng sản lượng của mình thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Daniel Yergin, Phó Chủ tịch Công ty phân tích và tư vấn thông tin IHS đánh giá: “Ả rập Xê út vẫn cho thấy vị thế độc nhất vô nhị và sự linh hoạt của mình. Xu thế hiện nay mà họ mong muốn là hãy để thị trường tự quản lý thị trường. Ả rập Xê út vẫn sẽ sản xuất và bán dầu cho khách hàng theo cách của họ, tức là chấp nhận giữ thị phần và đánh bật các nhà sản xuất dầu mỏ có chi phí cao”.

Do đó, thị trường lại đổ dồn sự chú ý vào các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ. Tuần trước, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã giảm xuống dưới 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Chuyên gia Yergin cho rằng, tới mùa hè năm nay, con số này được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống còn 8,3 triệu thùng/ngày.

Nhiều chuyên gia khác cũng tin tưởng thị trường “vàng đen” sẽ ổn định hơn vào cuối năm nay. Dù trong ngắn hạn, giá dầu mỏ sẽ chịu tác động khi không có thỏa thuận hạn chế sản lượng nào được đưa ra, song giá dầu thô vẫn sẽ vận động theo xu hướng tăng dần, lên mức khoảng 40 USD/thùng trong quý III năm nay và cán mốc 50 USD/thùng vào cuối năm.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì cho rằng, quá trình cắt giảm sản lượng dầu mỏ đá phiến của Mỹ đã bắt đầu đẩy nhanh và thị trường sẽ trở nên cân bằng hơn trong nửa cuối năm 2016.

Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục