Đâu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế châu Âu?

0:00 / 0:00
0:00
Cựu Thủ tướng Italia Mario Monti cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế của châu Âu từ đại dịch Covid-19 là "đình lạm" (stagflation).
Lạm phát của Eurozone trong tháng 8 đã lên mức cao nhất trong 10 năm qua khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP Lạm phát của Eurozone trong tháng 8 đã lên mức cao nhất trong 10 năm qua khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP

Đình lạm trong kinh tế học được xác định là hiện tượng nền kinh tế bị đình đốn, tăng trưởng chậm lại nhưng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Ông Mario Monti, hiện đang giữ chức Chủ tịch trường Đại học Bocconi (Italia), cho rằng một khối lượng lớn chính sách tiền tệ điều chỉnh của các ngân hàng trung ương và gói kích thích tài khóa từ các chính phủ, được triển khai để hỗ trợ các nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, "có thể gây ra lạm phát nhiều hơn". Nhưng đồng thời cũng làm gia tăng "những hạn chế về sự linh hoạt trong sản xuất".

Theo kết quả khảo sát của IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua khi chỉ đạt 59,5 điểm trong tháng 8, so với con số 60,2 vào tháng 7. Chỉ số PMI trên 50 phản ánh ngành/lĩnh vực đạt tăng trưởng trong kỳ khảo sát.

Tuy vậy, nhiều nhà kinh tế cho rằng động lực tăng trưởng của Eurozone có thể đang chững lại. Hơn nữa, đã xuất hiện những lo ngại rằng các chuỗi cung ứng đang tắc nghẽn ở châu Á tác động xấu lên hoạt động sản xuất của châu Âu, bên cạnh mối lo rằng mức lương tăng cao ở khu vực này có thể gây ra áp lực lạm phát.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế thường niên Ambrosetti do European House tổ chức hôm 4/9, ông Mario Monti nhận định các nền kinh tế, không chỉ riêng EU, có thể bắt đầu trải qua các vấn đề của đình lạm tương tự những gì mà nhiều nước từng chứng kiến vào những năm 1970.

Do đó, cựu Thủ tướng Italia cho rằng "điều rất quan trọng là phải điều hành (nền kinh tế - BTV) một cách khôn ngoan và đồng bộ quá trình chuyển đổi từ nguồn hỗ trợ tài chính và tiền tệ dồi dào cần thiết sang một tình huống bình thường hơn".

Dữ liệu sơ bộ được công bố đầu tuần này cho thấy lạm phát của Eurozone trong tháng 8 đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiến hành cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 9/9 tới và dự kiến thảo luận về lộ trình sắp tới cho chương trình mua vào tài sản của mình. Một số nhà phân tích hy vọng sau cuộc họp này, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ không vội vàng ra thông báo về việc thu hẹp chương trình kích thích kinh tế thời Covid-19 cho đến tháng 12.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục