Đâu là đỉnh tạm thời của VN-Index?

(ĐTCK-online) Gần đây, khi xu thế đi lên của TTCK được củng cố, NĐT lạc quan cho rằng, lịch sử thị trường năm 2006 đang lặp lại. Tuy nhiên, NĐT thận trọng vẫn đang chờ đợi những bước tiến rõ ràng hơn nền kinh tế thế giới và Việt Nam trước khi “dồn sức” vào thị trường.
Từ cuối quý I/2009 đến nay, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc. Từ cuối quý I/2009 đến nay, TTCK Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc CTCK Artex xung quanh vấn đề này bên lề hội thảo “Kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm 2009 và nhận định TTCK” do CTCP Tư vấn đầu tư Trí Việt tổ chức.

 

Bà nhận định thế nào về nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới?

Kinh tế Việt Nam cũng như thế giới thời gian qua có nhiều biểu hiện của sự phục hồi, TTCK tăng điểm là một dấu hiệu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chưa thể khẳng định nền kinh tế sẽ phục hồi theo mô hình nào: chữ V, chữ W hay chữ L. Nếu là chữ V thì hiện tại đang là giai đoạn đi lên của nền kinh tế, nhưng nếu theo chữ W thì nhiều khả năng năm 2010 nền kinh tế sẽ “test” đáy một lần nữa trước khi phục hồi thực sự.

Đâu là đỉnh tạm thời của VN-Index? ảnh 1
Bà Phan Vân Hà

Các nhà nghiên cứu kinh tế hiện tại nghiêng về xu hướng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo mô hình chữ W, bởi hai lý do. Thứ nhất, lịch sử phục hồi kinh tế sau khủng hoảng thường mất 3 năm và theo mô hình chữ W, trong khi nền kinh tế toàn cầu thể hiện “sức khỏe” khả quan chỉ sau hơn 1 năm. Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cho rằng, sự phục hồi kinh tế thời gian qua chủ yếu do tác động từ những gói kích cầu của chính phủ các nước, được ví như liều thuốc giảm đau, chứ không phải là thuốc đặc trị. Do đó, khi liều thuốc này kết thúc, nền kinh tế sẽ “đau” trở lại trước khi tìm được giải pháp thực sự.

Đối với Việt Nam , rất khó để khẳng định nền kinh tế sẽ đi theo mô hình nào. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ có thể thực hiện gói kích cầu thứ hai, nhưng theo tôi, gói kích cầu thứ hai là không nên, mà chỉ cần thực hiện kích thích thông qua việc tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (lên 30% như vừa qua) là được, do liên quan đến vấn đề thâm hụt ngân sách và lạm phát. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam đạt và vượt 4,5% theo dự báo của BMI là hoàn toàn có thể.

 

Với những dự báo trên, TTCK Việt Nam sẽ có diễn biến như thế nào, thưa bà?

Từ cuối quý I/2009 đến nay, TTCK Việt Nam đã phát triển rất tích cực, sự tăng điểm mang tính bền vững, không có dấu hiệu tăng nóng hay diễn biến tâm lý thái quá theo kiểu trắng bên mua hay bên bán mỗi khi thị trường giảm hoặc tăng.

Nếu nền kinh tế quay trở lại mức đáy vào năm 2010 trước khi tăng trưởng thực sự thì nhiều khả năng đỉnh tạm thời của VN-Index sẽ đạt được vào khoảng tháng 11, 12 năm nay trước khi giảm trở lại. Lưu ý, nhận định này chỉ có nghĩa tham khảo để NĐT quan sát diễn biến của nền kinh tế để thay đổi quy mô đầu tư, đặc biệt là quyết định sử dụng đòn bẩy tài chính hay không một cách hợp lý.

 

Vậy chiến lược đầu tư hợp lý lúc này là gì?

Theo tôi, thị trường luôn có những cơ hội tốt để đầu tư, vấn đề là lựa chọn ngành nghề, doanh nghiệp cho phù hợp. Hiện tại, hai ngành đang “hot” là bất động sản và cao su (đặc biệt là săm lốp), bên cạnh đó còn có ngành vận tải biển. Quan sát thị trường cho thấy, NĐT chủ yếu lựa chọn những mã có thông tin cơ bản tốt để đầu tư, chứ không có tình trạng giá cổ phiếu đồng loạt tăng trần - giảm sàn như cách đây 2 năm.

Một ngành nữa mà NĐT nên dành sự quan tâm, đó là thủy sản. Thời gian qua, “sóng” cổ phiếu ngành thủy sản khá lớn, nhưng ngành này vẫn đáng được quan tâm do nền kinh tế phục hồi thì các DN ngành này sẽ có kết quả hoạt động khả quan.

 

Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao giá cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán chưa tăng mạnh so với mặt bằng chung. Bà lý giải sao về điều này?

Tài chính - ngân hàng là “mạch máu” của nền kinh tế. Dù vậy, trong thời gian qua, bên cạnh những con số lợi nhuận rất ấn tượng, cổ phiếu nhóm này vẫn chưa đạt được sự đột biến. Theo tôi, đó là do sự thận trọng của NĐT về sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu NĐT tin tưởng hoàn toàn vào việc nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh thì nhóm ngành này sẽ có bước nhảy vọt về giá, nhất là sau khi công bố lợi nhuận khả quan.

Còn nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán, nó giống như phong vũ biểu của nền kinh tế. Năm 2008 đã chứng kiến sự thua lỗ của hàng loạt CTCK, lý do chính là nền kinh tế và TTCK suy giảm. Năm nay, nền kinh tế và TTCK đi lên, các CTCK hoạt động hiệu quả trở lại. Tuy nhiên, rất khó để nói rằng, các CTCK sẽ duy trì hiệu quả 6 như tháng đầu năm, nếu nền kinh tế quay trở lại đáy theo mô hình chữ W. Vì thế, quan điểm của tôi về nhóm ngành này nghiêng về xu hướng thận trọng.

Bùi Sưởng thực hiện.
Bùi Sưởng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục