Dấu hỏi về khả năng trả cổ tức đúng kế hoạch
Ở mặt bằng giá 3.000 đồng/cổ phiếu, CCL có tỷ lệ cổ tức/thị giá khoảng 16%. Ngày 22/10/2019, CCL đã chốt danh sách chia cổ tức 5%.
Cuối tháng 11, giá cổ phiếu CCL điều chỉnh xuống gần ngưỡng 6.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó tăng trở lại, lên gần 8.000 đồng/cổ phiếu (phiên 2/12 giảm còn 7.330 đồng/cổ phiếu).
Trong 9 tháng đầu năm 2019, CCL ghi nhận 336 tỷ đồng doanh thu và 29,8 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt hoàn thành 67,2% và 78,4% kế hoạch năm.
Nếu hoàn thành kế hoạch lãi 38 tỷ đồng, thì CCL có lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 80 đồng, tương đương P/E ngày 2/12 là hơn 90 lần.
Ở mức giá 7.330 đồng/cổ phiếu, với cổ tức 8% năm 2019, tỷ lệ cổ tức/thị giá là 10,9%, hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, bức tranh tài chính của CCL đang cho thấy một số dấu hiệu rủi ro.
Theo báo cáo tài chính quý III/2019, thời điểm cuối quý, CCL có tổng tài sản 846,3 tỷ đồng, trong đó 294,8 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, chiếm 34,8%; tài sản dở dang dài hạn 259,9 tỷ đồng, chiếm 30,7%; tồn kho 180,3 tỷ đồng, chiếm 21,3%...
Doanh nghiệp có 553,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 65,4% tổng nguồn vốn; 178,5 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn, chiếm 21,2% tổng nguồn vốn.
Quỹ tiền mặt là 9,5 tỷ đồng, trong khi cần 23,7 tỷ đồng để chi trả cổ tức vào ngày 26/12 tới. Như vậy, để trả cổ tức đúng kế hoạch, CCL cần phải thu từ bán bất động sản, hoặc thu các khoản nợ phải trả khác.
Được biết, CCL đang triển khai dự án Khu đô thị 5A (Sóc Trăng), quy mô 110,92 ha, giá trị xây dựng dở dang 229,9 tỷ đồng. Dự án gồm 597.743 m2 đất khai thác kinh doanh.
Trong năm 2018, Công ty đã xây dựng 73 công trình nhà và biệt thự, lũy kế đạt 895 công trình hoàn thành.
Năm 2019, Công ty tiếp tục khai thác dự án này, với doanh thu dự kiến 170 tỷ đồng, trong đó việc hoàn tất thủ tục xin bán đất nền đợt 3 sẽ bổ sung dòng tiền cho doanh nghiệp.
Ngày 22/11 vừa qua, CCL đã ký hợp đồng với CTCP Dịch vụ bất động sản Danh Khôi, tiếp thị và phân phối độc quyền dự án Khu đô thị 5A (tên thương mại là Mekong Central) và dự kiến tung ra 534 sản phẩm trong tổng số khoảng 4.000 sản phẩm trong tháng 12/2019.
Việc bán đất nền của dự án Khu đô thị 5A thành công có thể đem lại nguồn tiền để CCL chi trả cổ tức đúng hạn.
Khoản phải thu tăng mạnh, phải chăng cổ đông chiến lược chưa góp tiền vào CCL?
Vấn đề đáng quan tâm là một số nhà đầu tư nghi ngờ về đợt tăng vốn của CCL năm 2018, cổ đông chiến lược chưa góp tiền vào doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính của CCL, doanh thu năm 2017, 2018 và 9 tháng đầu năm 2019 của Công ty liên tục tăng, lần lượt là 39,85%, 233,34% và 56,67%, nhưng các khoản phải thu cũng tăng mạnh 65,5%, 216,94% và 14,43%.
Cụ thể, khoản phải thu năm 2017 là 57,7 tỷ đồng, tăng lên 123,8 tỷ đồng trong năm 2018 và tính tới cuối quý III/2019 là 294,7 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản.
Trong đó, khoản phải thu tăng mạnh năm 2018 chủ yếu đến từ các cá nhân. Báo cáo của CCL đầu năm 2018 liệt kê khoản phải thu với 3 tổ chức và 35 cá nhân, thời điểm cuối quý III/2019 là 3 tổ chức và 27 cá nhân.
Thời điểm khoản phải thu tăng mạnh trùng với thời điểm CCL phát hành riêng lẻ 120 tỷ đồng cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để nâng vốn chủ hữu từ 354,999 tỷ đồng lên 474,999 tỷ đồng.
Trong năm 2018, vốn chủ sở hữu tăng thêm 151,1 tỷ đồng, nhưng nợ vay ngắn hạn tăng thêm 92,4 tỷ đồng và khoản phải thu tăng thêm 176,3 tỷ đồng (tăng 216,9%), bên cạnh đó là hàng tồn kho tăng thêm 59 tỷ đồng (tăng 59,5%).
“Xem xét báo cáo tài chính, tôi nghi ngờ đợt tăng vốn năm 2018, cổ đông chiến lược chưa góp tiền vào CCL”, một nhà đầu tư nói và cho rằng, giá trị khoản phải thu và hàng tồn kho tăng, nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về dòng vốn.
Cổ phiếu CCL niêm yết trên sàn HOSE với thanh khoản khoảng vài trăm nghìn cổ phiếu/phiên. Nếu làm rõ các nghi vấn của nhà đầu tư, thanh khoản và giá cổ phiếu CCL có khả năng sẽ vững hơn trên sàn.