Công ty Việt do người Nhật điều hành
ASP vừa nhận được đơn từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Shimbori Toshiyuki. Để đảm bảo hoạt động của Hội đồng quản trị, Công ty đang triển khai lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc miễn nhiệm và bầu bổ sung nhân sự.
Hiện tại, toàn bộ 5 thành viên Hội đồng quản trị của ASP (bao gồm ông Shimbori Toshiyuki) đều là người Nhật Bản. Các vị trí chủ chốt trong Ban điều hành cũng nằm trong tay người Nhật.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ASP đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị người Việt cuối cùng là ông Trần Minh Loan, người từng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc nhiều năm trước.
ASP “bén duyên” cùng người Nhật từ năm 2014 khi Saisan Joint Stock Company - công ty kinh doanh gas dân dụng với thương hiệu Gas One tại Nhật Bản gia nhập ASP và trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 48,2% cổ phần. Trong năm 2014, Saisan đã bầu cử 2 thành viên là người Nhật vào Hội đồng quản trị ASP. Năm 2015, một thành viên người Nhật đã tham gia vào Ban điều hành ASP và từ đó đến nay, Ban điều hành của ASP luôn có người của Saisan.
Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, một số cổ đông ASP bày tỏ lo ngại về việc toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị là người nước ngoài có thể khiến Công ty gặp khó khăn khi kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo ASP khẳng định, trước khi đề cử toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị là người Nhật, Công ty đã tham khảo rất nhiều ý kiến để đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, ông Kobayashi Naoki là Tổng giám đốc của ASP rất giỏi tiếng Việt.
Sức khoẻ tài chính đáng lo ngại
Tính đến cuối quý II/2024, ASP có lỗ lũy kế 111 tỷ đồng.
ASP tiền thân là Công ty cổ phần Dầu khí Anpha S.G, thành lập tháng 4/2004. Theo giới thiệu, ASP là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng (LPG). Trong những năm qua, ASP liên tục mở rộng quy mô, gia tăng sức ảnh hưởng trên thị trường thông qua hoạt động M&A các doanh nghiệp như Gas Bình Minh, Ngọn Lửa Thần, Công ty Minh Thảo, Công ty Kinh doanh Gas Đức Hải…
Đến cuối năm 2023, ASP có 6 công ty con trực tiếp, 2 công ty con gián tiếp và 9 công ty liên kết. Các doanh nghiệp này hoạt chính trong lĩnh vực mua bán LPG và sản xuất gas, giúp doanh thu của ASP được cải thiện, nhưng lợi nhuận lại giảm dần. Cụ thể, lãi ròng của ASP giai đoạn 2018 - 2022 lần lượt là 55 tỷ đồng, 40 tỷ đồng, 32 tỷ đồng, 25 tỷ đồng, 14 tỷ đồng.
Năm 2023, ASP lỗ sau thuế hơn 84 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính, trích lập dự phòng phải thu khó đòi từ các công ty con, công ty liên kết và chi phí tài chính tăng cao do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Ngoài ra, thị trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả từ hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa đạt lợi nhuận đủ để bù đắp các chi phí.
Nửa đầu năm 2024, ASP lỗ thêm hơn 26 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 2 tỷ đồng), trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm là 9 tỷ đồng. Sau nhiều quý thua lỗ, ASP không chỉ đánh mất toàn bộ “của để dành” từ các năm trước, mà còn ghi nhận lỗ luỹ kế 111 tỷ đồng.
Việc tăng cường vay nợ để có vốn thực hiện mở rộng quy mô nhưng lợi nhuận giảm dần khiến cho sức khoẻ tài chính của ASP nhanh chóng bị ảnh hưởng.
Ông Kobayashi Naoki thừa nhận, trong năm 2023, mức lãi suất ngắn hạn duy trì ở mức cao, bình quân khoảng 7%/năm và chỉ giảm ở 2 tháng cuối năm, xuống dưới 4%/năm. ASP có dư nợ vay lớn, nên lãi suất cao đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của ASP ở mức 1.881 tỷ đồng, riêng nợ vay là 773 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2013 (trước khi Saisan gia nhập). Tỷ lệ nợ/tổng tài sản là 82,8%, nợ/vốn chủ sở hữu là 481,9%. So với các doanh nghiệp cùng ngành và cùng quy mô trên sàn, ASP đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức rất cao, nhưng khả năng sinh lời ở mức âm.
Thách thức trong hoạt động kinh doanh
Đặc thù của ASP là công ty thương mại nên chi phí giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn nhất so với những chi phí khác. Do đó, giá khí đầu vào tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, chứ không được hưởng lợi như doanh nghiệp phân phối (nhờ tồn kho giá thấp và doanh thu tăng khi giá bán LPG tăng).
Hiện tại, ngoài việc mua khí LPG từ Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), ASP còn nhập khẩu từ các nhà cung cấp tại Thái Lan, Singapore, Trung Quốc..., nên Công ty chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trên thế giới biến động liên tục do tình hình địa chính trị tại Trung Đông không ổn định, tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh các doanh nghiệp dầu khí.
Trong nước, thị trường LPG Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, có triển vọng phát triển, nên rất nhiều doanh nghiệp tham gia khai thác, đẩy mức độ cạnh tranh lên cao.
Trong chiến lược sắp tới, ASP sẽ tập trung phát triển mảng kinh doanh bán lẻ, vốn là mảng mang lại lợi nhuận cao nhất, đồng thời đưa sản phẩm Gas One của Nhật Bản đến Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm Gas One đã có một số đơn vị trong nước phân phối.
Nói thêm về khó khăn khi kinh doanh ở Việt Nam, ông Kobayashi Naoki chia sẻ, vấn đề nằm ở việc quản lý vỏ bình gas. Ở Nhật Bản, tất cả các vỏ bình gas đều có số seri để quản lý. Khi vỏ bình bị mất, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm tiến hành điều tra, tìm lại các vỏ bình. Nhưng ở Việt Nam, vỏ bình gas không có số seri nên không được quản lý, kiểm soát, nên không dễ thu hồi đủ số lượng vỏ bình đã xuất bán, dẫn tới thất thoát tài sản, cũng như dẫn tới tình trạng chiết nạp gas lậu, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, vì các công ty chính hãng phải chịu khoản chi phí cố định khi đầu tư vỏ bình gas.