Dấu hỏi lãi margin ngày Tết

(ĐTCK) Nhà đầu tư cũng như các thành viên thị trường sẽ được nghỉ liền 10 ngày đón Tết. Đây là khoảng thời gian khá dài khiến nhiều người đặt câu hỏi: khoản vay giao dịch ký quỹ (margin) của nhà đầu tư có bị tính lãi vay trong những ngày nghỉ dài? Nếu có, tiền lãi đó có phải bị trả một cách vô lý khi toàn thị trường đóng băng, nhưng lại có một chủ thể chịu mất phí tiền vay?
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhà đầu tư Hoàng Thùy Vinh cho biết, bà mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Đông Á với hạn mức cho vay gần 5 tỷ đồng.

Giữa bà và Công ty ký một hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ sau khi bà được nhân viên tư vấn về các điều khoản liên quan đến hai bên và bà ký vào một tờ xác nhận rằng: “Việc mở tài khoản ký quỹ được thực hiện sau khi đã nghiên cứu đầy đủ các quy định về giao dịch chứng khoán, giao dịch ký quỹ và được tư vấn về các rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán sử dụng vốn vay theo hình thức giao dịch ký quỹ”.

Theo bà Linh, không phải chỉ có kỳ nghỉ Tết dài nhà đầu tư vẫn phải tính lãi tiền vay margin, mà nếu vay vào 2 ngày cuối tuần để giao dịch, khoản tiền này cũng bị tính lãi.

Trên thị trường, lãi suất margin được các công ty công bố theo tháng hoặc theo năm, nhưng khoản tiền lãi thực tế nhà đầu tư phải trả đều được các công ty chứng khoán tính theo thời hạn cho vay giao dịch ký quỹ thực tế.

Trong hợp đồng giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư, thời hạn này được định danh là thời gian tính từ ngày công ty giải ngân khoản vay đến ngày cuối cùng thanh khoản khoản vay.

Bà Vinh cho hay, mức lãi suất tính theo ngày khoảng 0,04%, với kỳ nghỉ Tết dài 10 ngày, nhà đầu tư sẽ phải chịu lãi suất là 0,4% tính trên khoản tiền thực vay.

Trong gần 5 tỷ đồng là hạn mức vay, nếu bà vay 3 tỷ đồng cho đầu tư chứng khoán vào 2 ngày sát kỳ nghỉ Tết, tính ra, bà sẽ phải chịu lãi 8 triệu đồng cho công ty chứng khoán trong 10 ngày không thể giao dịch này.

“Thường thì các nhà đầu tư cá nhân đều có tâm lý nghỉ Tết sớm, nên giao dịch những ngày cận Tết khá thưa thớt. Chỉ những nhà đầu tư tổ chức hoặc bám sát thị trường và thấy rõ cơ hội mua rẻ mới mua trong 2 ngày cuối cùng sát kỳ nghỉ Tết.

Nhà đầu tư đều hiểu mua lúc này sẽ bị mất khoản phí margin trong những ngày nghỉ Tết, khi chứng khoán chưa về tài khoản và cũng không giao dịch được”, bà Vinh nói.

Quan sát thị trường 2 ngày cận Tết năm ngoái cho thấy, phiên gần giáp Tết Nguyên đán (31/1/2019), thanh khoản giảm 33%, còn phiên giáp ngày nghỉ Tết thì giảm 20% so với thanh khoản bình quân chung của năm.

Một môi giới lâu năm trong nghề cho biết, giả sử thanh khoản những phiên cận Tết khoảng 2.000 tỷ đồng/phiên, trong đó tiền vay margin chiếm khoảng 10 - 20% (do có nhiều mã không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho vay và trong số các mã được margin thì cũng chỉ có khoảng 20 - 30 mã lớn được nhà đầu tư vay nhiều), thì tổng số tiền lãi margin phát sinh trên toàn thị trường cho 20 ngày nghỉ Tết khoảng 800 triệu đồng.

“Khoản tiền này cộng dồn từ nhiều nhà đầu tư nên với từng chủ thể không lớn. Bản thân công ty chứng khoán cũng phải đi vay của ngân hàng để có ngân quỹ cho nhà đầu tư vay và công ty chứng khoán phải chịu trả lãi vay cho các ngân hàng trong cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết theo cùng quy chuẩn như nhà đầu tư”, nhà môi giới nói.

Tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt, được biết, Công ty hiện áp dụng lãi suất margin cho nhà đầu tư ở mức 12,5%/năm và tính lãi suất cho từng khoản vay theo ngày như tất cả các công ty khác.

Những ngày giao dịch cận Tết, Công ty sẽ thông báo đến nhà đầu tư và giúp nhà đầu tư để không phát sinh các giao dịch đáo hạn trong kỳ nghỉ Tết, vì như thế sẽ dẫn đến việc sau Tết, khách hàng có những ngày chịu lãi quá hạn.

Còn lại, việc khách hàng vay margin mua cổ phiếu trước hoặc trong những ngày giáp Tết thì Công ty không can thiệp, bởi việc người vay phải chịu lãi suất tiền vay trong cả những ngày nghỉ đã được tư vấn và ghi nhận trong hợp đồng.

BVSC cho biết, đây là quy định đã áp dụng từ nhiều năm nay, nên nhà đầu tư không còn thắc mắc về việc này.

Dù một số công ty chứng khoán đã có sự chia sẻ và giải thích cách tính lãi margin cũng như việc nhà đầu tư quen với việc chấp nhận bị tính lãi margin cả những ngày nghỉ dài, nhưng trong lòng thị trường, một câu hỏi lớn được đặt ra là khoản tiền lãi đó có phải đang bị thu một cách phi lý không?

Chủ thể nào được hưởng lợi từ việc nhà đầu tư phải trả lãi vay cả trong những ngày nghỉ?

Ở các thị trường chứng khoán quốc tế, trong những tình huống nghỉ lễ dài, họ có ứng xử như thế nào với bên cho vay và đi vay?

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.     

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục