Thông điệp 1: Sẽ thay chủ
Tin mới nhất từ CTCP MTGas (MTG), từ ngày 21/8 - 21/9/2012, Chủ tịch HĐQT MTG - ông Lê Tự Minh đăng ký bán toàn bộ 3,78 triệu cổ phiếu, tương đương 31,56% vốn ở MTG. Còn chờ thời gian để biết ông Minh có thể bán hết số cổ phiếu như đăng ký hay không, nhưng nếu giao dịch thành công, một sự thay đổi chủ sở hữu ở MTG sẽ diễn ra.
Chủ tịch HĐQT MTG đăng ký bán toàn bộ 3,78 triệu cổ phiếu, tương đương 31,56% vốn ở MTG
Theo bản cáo bạch phát hành năm 2009, Chủ tịch HĐQT MTG Lê Tự Minh cũng là cổ đông sáng lập. Ở thời điểm sáng lập (năm 2001), sở hữu của ông Minh tại MTG là hơn 50%. Từ năm 2009 đến nay, ông Minh duy trì tỷ lệ sở hữu 31,56% ở MTG, mà không hề có giao dịch bán hay mua nào. Vì thế, lần này, dù với lý do cơ cấu danh mục đầu tư, thì quyết định rút vốn toàn bộ khỏi MTG của ông Minh vẫn khiến nhiều người thắc mắc.
Trên thực tế, đã có nhiều bằng chứng cho thấy, tiếp theo những tháo chạy có tính rút lui từ chủ tịch HĐQT là những thay đổi ở doanh nghiệp. Đó là khả năng chủ tịch phải nhường ghế, như trường hợp ông Đinh Hồng Long, từng giữ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN). Hay như ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) dù còn tại vị, nhưng vị thế của ông Thành đã không còn như trước. Ông Thành là trường hợp khá khác biệt, vì ông không có ý định rút vốn, nhưng việc tăng vốn qua phát hành thêm cổ phiếu với số lượng lớn của STB khiến cho tỷ lệ sở hữu của ông Thành giảm dần. Kết quả, một sự đổi ngôi mới đã xảy ra với STB.
Thông điệp 2: Không tin ở tương lai doanh nghiệp
Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, còn lại những DN có chủ tịch HĐQT rút vốn đều là những DN đang gặp khó khăn trong kinh doanh. MTG vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 thua lỗ. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên MTG lỗ. Suốt từ năm 2008 đến nay, kết quả kinh doanh của MTG hoặc thua lỗ (năm 2008) hoặc lãi nhờ nguồn thu khác (năm 2010) hoặc lãi rất ít (năm 2011).
Diễn biến ở MTG cũng đang không đi theo những kế hoạch dự tính ban đầu của những người sáng lập. Theo bản cáo bạch thì lãnh đạo MTG muốn phát triển Công ty theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, với kinh doanh gas (dân dụng và công nghiệp) là chủ lực. Tuy nhiên, mảng bất động sản, tài chính đều không đi tới đâu. Cuối năm 2009, MTG đã kịp chuyển nhượng vốn tại Dự án S’Pectpa. Sau đó, lãnh đạo MTG tính chuyển nhượng tiếp Dự án Khu công nghiệp Phước Đông. Theo báo cáo thường niên năm 2011, MTG vẫn chưa bán được dự án này.
Chưa kể, MTG cũng đang mắc kẹt vào một thương vụ mà thiệt hại nghiêng về MTG, khi MTG đã góp 13,44 tỷ đồng để thành lập CTCP Khách sạn Hàng không Việt Nam (chiếm 10% vốn điều lệ) cách đây hơn 5 năm. Tuy nhiên, do quyền sử dụng đất mà Vietnam Airline đem bán cho MTG và góp vào trong dự án thành lập công ty nêu trên là đất chưa được cho phép sử dụng, nên MTG chưa thể xây khách sạn với số tiền đã góp. MTG đang phải nhờ đến tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình.
Do những rủi ro từ tài chính và bất động sản mà MTG đã nếm trải, đại diện MTG cho biết, hiện Công ty đang thuần về kinh doanh gas. Nhưng với những rủi ro từ biến động giá gas lên xuống thất thường và mức lợi nhuận thấp (tỷ suất lợi nhuận/doanh thu qua các năm chưa tới 1%), đầu tư vào cổ phiếu MTG đã không còn hấp dẫn.
Ở SHN, tình cảnh bế tắc hơn khi đơn vị kiểm toán liên tục nghi ngờ khả năng hoạt động của Công ty. SHN cũng bị mắc kẹt trong một vụ hợp tác, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nan giải cho SHN là Công ty gần như không đòi được nợ và hoạt động kinh doanh đang bị đình trệ.
Theo báo cáo tài chính quý II/2012, doanh thu 6 tháng đầu năm 2012 của SHN chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng, bằng 7 - 8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm mạnh, trong khi giá vốn lại cao gần gấp đôi doanh thu, nên tình hình của SHN càng tồi tệ. SHN lại phải đối diện với áp lực trả lãi, trả nợ… Nhiều NĐT nhận xét, có lẽ vì thế mà chủ tịch HĐQT mới của SHN - ông Dương Mạnh Hải cũng chỉ mới dám nắm 1% vốn tại công ty này.