Các doanh nghiệp cần gì thời khủng hoảng?
Dịch bệnh Covid-19 đang tạo ra nỗi ám ảnh bao trùm lên nền kinh tế thế giới và tâm lý của người dân.
Các nước đang phải sử dụng những biện pháp tài khóa, tiền tệ mạnh mẽ nhằm hỗ trợ, kích thích kinh tế như Trung Quốc có gói kích thích tài khóa khoảng 1.300 tỷ nhân dân tệ, gói tái cấp vốn 800 tỷ nhân dân tệ, giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc;
Mỹ dành 2.200 tỷ USD để kích thích kinh tế, 700 tỷ USD mua tài sản (trái phiếu và chứng khoán được đảm bảo), giảm lãi suất; Hàn Quốc có gói hỗ trợ 38 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ…
Mới đây nhất, Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và công bố gói kích thích kinh tế tương đương 988 tỷ USD, khoảng 20% GDP.
Khảo sát của Trường đại học Kinh tế Quốc dân với 510 doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô dưới 200 lao động thuộc các ngành dịch vụ (65,1%), công nghiệp và xây dựng (29,8%), nông nghiệp (5,1%) trên địa bàn Hà Nội (69,3%), TP.HCM (12,2%) và các địa phương khác (18,5%) cho thấy, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu dịch bệnh kéo dài tới tháng 12 (xem đồ thị 1).
Những khó khăn cốt yếu nhất mà các doanh nghiệp gặp phải.
Trong năm nay, 20,2% số doanh nghiệp dự kiến doanh thu giảm từ 80% trở lên, 28,4% số doanh nghiệp giảm từ 50% trở lên, 34,9% số doanh nghiệp giảm từ 30% trở lên, các doanh nghiệp còn lại giảm dưới 30%. Ðáng lưu ý, 39,3% số doanh nghiệp lo ngại sẽ bị phá sản.
Các giải pháp hỗ trợ mà doanh nghiệp kỳ vọng là cắt giảm thủ tục hành chính, không tăng chi phí điện, nước, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ, vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất… (xem đồ thị 2).
Phản hồi của các doanh nghiệp về những giải pháp hỗ trợ
quan trọng nhất trong mùa dịch.
Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà khối doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn, đều phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí nhân sự, quy mô sản xuất - kinh doanh, luân chuyển hoặc cắt giảm lao động…
Các doanh nghiệp đang xốc lại tinh thần cán bộ, công nhân viên và có cơ chế đối thoại giữa ban lãnh đạo và nhân viên một cách trực tiếp nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có sự chuyển đổi, sắp xếp lại phù hợp.
Khi công ty khó khăn là dịp “lọc” lại những con người phù hợp, hiểu được định hướng cũng như các giá trị mà ban lãnh đạo đang theo đuổi.
Tập trung vào nhân viên cũng là tập trung vào tương lai của công ty. Văn hóa doanh nghiệp có thể được hình thành, củng cố trong giai đoạn này.
Kinh nghiệm cho thấy, ban lãnh đạo thường tìm ra những ý kiến hay nhất từ chính đội ngũ nhân viên của họ.
Ðồng thời, doanh nghiệp tích cực rà soát, cắt giảm chi phí và triển khai các sản phẩm mới.
Dịch bệnh khiến thói quen tiêu dùng tạm thời thay đổi, chuyển hướng sang các dịch vụ đặt hàng trực tuyến, gia tăng nhu cầu các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm tăng cường sức khỏe, hỗ trợ sức đề kháng…
Do đó, một số doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng đang có nhu cầu cao, tìm kiếm những đơn vị phù hợp để hợp tác, liên kết, nhận sản phẩm để phân phối…
Nhu cầu là yếu tố rất khó để dự đoán, ngay cả những doanh nghiệp có thị phần lớn cũng rất khó khăn trong việc dự đoán nhu cầu và không phải việc gì các doanh nghiệp lớn cũng làm được.
Nhu cầu rất đa dạng nên các doanh nghiệp nhỏ có thể đi tới những ngóc ngách sâu nhất để nắm bắt các nhu cầu, cá nhân hóa sản phẩm, dịch vụ ở mức cao.
Mặt khác, tác động của dịch bệnh tới các ngành nghề là không đồng thời và không giống nhau, mỗi doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn phát triển khác nhau, cơ cấu nguồn thu, cơ cấu vốn khác nhau, nhưng không có doanh nghiệp nào hoạt động độc lập trong chuỗi giá trị của ngành nghề đó.
Tinh thần đối tác được thể hiện rất cao vào lúc này, đây cũng là giai đoạn để “lọc” các đối tác có thiện chí, sẵn sàng cùng hy sinh lợi ích để hướng tới mối quan hệ lâu dài hơn.
Một số doanh nghiệp tìm đến tổ chức tư vấn để đưa ra chiến lược vực dậy công ty.
Ðánh giá doanh nghiệp, không thể bỏ qua yếu tố định tính
Kinh tế thế giới đang phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dứt điểm dịch bệnh để mọi việc dần trở lại bình thường, thông thương trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng…
Cuộc khủng hoảng lần này là do bắt nguồn từ nguyên nhân phi kinh tế, tác động tới kinh tế, cho nên chính phủ các nước đều dùng tới biện pháp kinh tế để hỗ trợ cho sự gián đoạn này.
Khó khăn khiến mọi người đều phải thích nghi với thực tế và xác định lại cách để tồn tại trong giai đoạn khủng hoảng.
Nguyên nhân bắt nguồn tại đâu thì biện pháp xử lý chỉ có thể nằm tại đó và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn với trọng tâm xoay quanh vấn đề dịch bệnh.
Giai đoạn sắp tới dự báo sẽ rất khó khăn và mang tính sàng lọc cao đối với mọi thành phần kinh tế.
Dịch bệnh là một bộ lọc lớn, chỉ có những nền kinh tế, doanh nghiệp “khỏe” mới có thể sống chung và nhanh chóng vượt qua được.
Ở góc độ đầu tư, việc tìm ra các doanh nghiệp sẽ vượt qua khủng hoảng đòi hỏi sự sát sao và phân tích kỹ các yếu tố cả định lượng và định tính.
Trong đó, về mặt định lượng, lượng tiền trong két của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo cuối năm 2019 có thể dùng để trang trải cho chi phí vận hành trong bao lâu?
Doanh nghiệp cần sống chung với dịch bệnh trước khi nói tới khả năng vực dậy nhanh. Doanh thu giữ được là điều quan trọng nhất ở thời điểm này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vay nợ ngân hàng nhiều.
Về mặt định tính, khả năng, sức mạnh đàm phán của doanh nghiệp với các đối tác để giãn hoặc giảm các chi phí cố định như thế nào? Các doanh nghiệp ở quy mô nào cũng cần thực hiện việc này, doanh nghiệp quy lớn nhưng không linh hoạt vẫn có thể thua lỗ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có thái độ thận trọng với diễn biến của dịch, đưa ra các kịch bản cụ thể và không ngừng tìm ra các biện pháp mới để thích nghi.
Nhà đầu tư có thể tham khảo những bài phát biểu của ban lãnh đạo doanh nghiệp, hay trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp để có thêm đánh giá riêng.
Nhà đầu tư cần đánh giá được sản phẩm, cấu trúc sản phẩm và chính sách bán hàng trước và sau thời điểm dịch bệnh.
Một số doanh nghiệp phải giảm giá mạnh các mặt hàng để ưu tiên cho dòng tiền, một số khác giữ nguyên hoặc đưa ra các chương trình khuyến mãi. Hai chiến lược này thể hiện hai vấn đề khác nhau về nội tại của doanh nghiệp.
Ðặc biệt, nhà đầu tư cần xem xét sự phụ thuộc của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, ngoài việc dịch bệnh gây tác động ra, việc linh hoạt trong nguồn cung và đối tượng khách hàng đa dạng ở phía cầu sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Các doanh nghiệp có sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản…, hay xuất nhập khẩu nói chung đang bị gián đoạn tạm thời, chưa kể các gói hỗ trợ và kích thích rất lớn đang được các nước triển khai có khả năng khiến lãi suất, tỷ giá biến động, sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Ngoài ra, doanh nghiệp ứng xử như thế nào với cộng đồng trong giai đoạn này, tức là ở khía cạnh xã hội, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ ngân sách chống lại dịch bệnh luôn là những doanh nghiệp linh hoạt và đang làm đúng nghĩa với công việc kinh doanh.
Những doanh nghiệp như vậy thường nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng, người tiêu dùng sau này.