Đấu giá tài sản, vi phạm chưa dứt

(ĐTCK) Chỉ riêng trong năm 2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã kiến nghị hủy 2 cuộc bán đấu giá do có hành vi thông đồng và vi phạm về tài sản không được bán, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý. 

Cuộc đấu giá... xuyên đêm

Trước khi Luật Ðấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NÐ-CP về bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, hoạt động bán đấu giá xảy ra rất nhiều sai phạm như bưng bít thông tin cuộc đấu giá, hạn chế bán hồ sơ tham gia cho khách hàng…

Ðiển hình như phiên đấu giá cổ phần của Công ty cổ phần Du lịch An Giang. Phiên đấu giá do Công ty cổ phần Chứng khoán Ðại Dương (nay là Công ty cổ phần Chứng khoán Everest) tổ chức vào ngày 21/10/2015 theo hình thức đấu giá công khai số lượng 233.733 cổ phần do Nhà nước thoái vốn.

Danh sách đăng ký ghi nhận có 5 nhà đầu tư tham gia buổi đấu giá, trong đó có 3 tổ chức và 2 cá nhân. Ông Ðoàn Minh Thư mặc dù không có giấy ủy quyền của nhà đầu tư là CTCP Ðầu tư và phát triển Nguyễn Kim vẫn tham gia buổi đấu giá.

Cuộc đấu giá được tổ chức vào hồi 9 giờ ngày 21/10/2015 và kéo dài xuyên đêm đến tận 7 giờ ngày 22/10/2015.

Ngay từ đầu phiên đấu giá đã phát sinh tình huống, đó là sau khi mở hòm phiếu, mở phiếu, Ban tổ chức phát hiện phiếu tham dự đấu giá của Công ty TNHH MTV Xây dựng và thương mại An Lành không có con dấu, chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật nên tuyên bố phiếu này không hợp lệ.

Trong khi đó, Quy chế bán đấu giá không quy định phiếu đấu giá không đóng dấu là phiếu không hợp lệ và phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai có lỗi tương tự, hay phiếu của ông Nguyễn Ngọc Huy cũng có thiếu sót lại được chấp nhận.

Trong 5 nhà đầu tư, Công ty An Lành bỏ phiếu cao nhất, với 251.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Huy có mức giá cao thứ hai là 194.000 đồng/cổ phần, chênh lệch hơn 13,3 tỷ đồng so với giá bỏ cao nhất. Ban tổ chức lấy lý do phiếu của Công ty An Lành thiếu con dấu nên loại bỏ và sau đó công nhận ông Huy trúng đấu giá.

Công ty An Lành cho rằng, ở mục “Khối lượng đặt mua” trên phiếu đấu giá của ông Nguyễn Ngọc Huy có viết “233.733 CP”. Theo quy chế bán đấu giá và tài liệu tham dự không có nơi nào thể hiện chữ “CP” là chữ viết tắt của “cổ phần” và như vậy, phiếu này không ghi đúng quy định nên phải là phiếu không hợp lệ.

Thành phần Ban tổ chức đấu giá gồm ông Ðặng Văn Hậu là Trưởng ban và bà Huỳnh Thị Thanh Thảo (Công ty An Giang) là thành viên và đại diện chủ sở hữu lô cổ phần trên. Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Thanh Thảo khẳng định, bà không phải là thành viên Ban tổ chức đấu giá vì bà không nhận được sự phân công của Tổng giám đốc Công ty An Giang. Bà chỉ tham gia với tư cách là người chứng kiến. Khi phiên đấu giá chưa kết thúc, bà Thảo đã bỏ về.

Ðặc biệt, đơn vị tổ chức phiên đấu giá - Công ty Chứng khoán Ðại Dương lại không có ngành nghề kinh doanh đấu giá. Cả bà Thảo và ông Hậu đều không có chứng chỉ hành nghề đấu giá, dẫn đến phiên đấu giá có nhiều sai phạm như ra Quyết định thành lập Ban tổ chức đấu giá mà không thông báo cho các thành viên biết, dẫn đến bà Thảo bỏ về sớm; Ban đấu giá không kiểm tra nên để ông Ðoàn Minh Thư không có giấy ủy quyền tham gia trực tiếp đấu giá.

Do những vi phạm trên, phiên đấu giá bắt đầu từ 9 giờ ngày 21/10/2015 kéo dài đến 23 giờ cùng ngày mới lập xong biên bản xác định kết quả đấu giá là ông Nguyễn Ngọc Huy trúng đấu giá. Các nhà đầu tư tranh cãi và kích động nhau không đồng ý kết quả đến tận 6 giờ sáng ngày 22/10/2015. Diễn biến phiên đấu giá lộn xộn khiến Ban tổ chức không kiểm soát được tình hình và phải mời công an phường đến giải quyết vụ việc.

Do việc đấu giá xảy ra nhiều vi phạm nên đại diện sở hữu nhà nước không công nhận kết quả ông Nguyễn Ngọc Huy trúng đấu giá. Theo quy định tại Quy chế bán đấu giá, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức thực hiện đấu giá phải ra thông báo kết quả trúng đấu giá cho nhà đấu tư trúng đấu giá và trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải chuyển tiền mua cổ phần.

Song, phiên đấu giá diễn ra từ ngày 22/10/2015 thì ngày 22/11/2015 (tức 1 tháng sau), đại diện sở hữu nhà nước mới có công văn không công nhận kết quả đấu giá dẫn đến nhà đầu tư chuyển tiền vào tài khoản. Hệ quả là nhà đầu tư khiếu kiện suốt từ năm 2017 - 2018.

Ngoài ra, còn có những vụ việc bán đấu giá đất vàng nổi cộm tại Hà Nội vi phạm các quy định về bán đấu giá tài sản như phiên đấu giá 3.500 m2 đất và tòa khách sạn 11 tầng tại số 120 Quán Thánh (Hà Nội) do Công ty cổ phần Ðấu giá Thành An tổ chức hay kết quả phiên đấu giá khu nhà đất ở số 3 Ðặng Thái Thân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hồi tháng 5/2015 cũng bị hủy hợp đồng đấu giá vì tổ chức bán đấu giá hạn chế bán hồ sơ cho các khách hàng… 

Khó xử lý thông đồng, dìm giá

Theo báo cáo chuyên đề tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, sau khi Luật Ðấu giá tài sản 2016 đi vào thực tiễn, vẫn có nhiều khiếu nại, tố cáo. Năm 2018. Bộ Tư pháp đã tổ chức một số đoàn thanh tra, kiểm tra, thanh tra đột xuất về việc chấp hành quy định pháp luật về đấu giá tài sản đối với một số tổ chức bán đấu giá tài sản.

Thanh tra đã phát hiện một số tổ chức bán đấu giá tài sản có vi phạm như thực hiện không đúng quy định về thông báo, niêm yết bán đấu giá tài sản; đăng báo không đúng về đấu giá tài sản; ghi biên bản không đúng quy định tại cuộc đấu giá tài sản; cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản; đưa thêm các điều kiện vào Thông báo đấu giá tài sản. Tổ chức đấu giá tài sản và thẩm định giá cùng một chủ sở hữu, nhưng pháp nhân khác nhau; đưa người là họ hàng vào tham gia đấu giá tài sản.

Hợp đồng đấu giá tài sản ký kết giữa tổ chức đấu giá tài sản với người có tài sản còn có các thỏa thuận không đúng quy định của Luật Ðấu giá tài sản về việc thu tiền đặt trước hoặc về thù lao, chi phí dịch vụ đấu giá. Một số tổ chức đấu giá tài sản còn ban hành quy chế chung cho các cuộc đấu giá, nội dung quy chế chưa đầy đủ là không đúng quy định Luật Ðấu giá tài sản.

Một số quy chế đặt ra những điều kiện không hợp lý, dẫn đến việc hạn chế người tham gia đấu giá. Việc bán hồ sơ tham gia đấu giá tại một vài tổ chức có biểu hiện chưa minh bạch, dẫn tới có khiếu kiện, tranh chấp..., còn có dấu hiệu thông đồng, dìm giá nhưng rất khó phát hiện và xử lý.

Kết quả thanh tra đều đã kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Một số vụ việc điển hình như Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty cổ phần Ðấu giá Minh Pháp.

Ðặc biệt, Thanh tra Bộ Tư pháp đã kiến nghị hủy hai cuộc bán đấu giá do có hành vi thông đồng và vi phạm về tài sản không được bán, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý về thông đồng trong đấu giá.

Cụ thể, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An, Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá tài sản Miền Nam và thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc bán đấu giá tài sản đối với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Vĩnh Phúc; yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Ðỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục