Đấu giá cổ phần: DN cần xem lại chính mình

(ĐTCK-online) Tháng 11 này, trên cả 2 Sở GDCK có tới 12 cuộc đấu giá, với số lượng ước gần 150 triệu cổ phần. Trong số đó có những cuộc đấu giá lớn của Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, CTCK Ngân hàng BIDV.
PVGas tin tưởng đợt đấu giá sẽ thành công với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức - Ảnh: Hoài Nam

Điểm đáng mừng là các đợt đấu giá cổ phần lần này có giá khởi điểm được ấn định ở mức hợp lý, được đánh giá phù hợp cho mục đích đầu tư dài hạn và có nhiều khả năng tăng giá khi thị trường chính thức khởi sắc.

 

Rớt vì giá cao

Ngày 2/11, CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc (PVG) đấu giá 7.322.150 cổ phần qua HNX với giá khởi điểm 14.000 đồng/CP. Tuy nhiên, chỉ có 5 nhà đầu tư tham gia đặt mua tổng cộng 45.000 cổ phần, bằng 0,61% so với lượng đấu giá. Theo kết quả đấu giá, lượng bán được bằng đúng lượng đăng ký là 45.000 cổ phần với tổng giá trị bán được là 632,62 triệu đồng, tương ứng với giá bình quân 14.058 đồng/CP. Hiện thị giá PVG là 13.500 đồng, thấp hơn giá khởi điểm PVG 500 đồng/CP, điều này có nghĩa là nhà đầu tư tham gia đấu giá vừa bị lỗ về giá, vừa mất thời gian chờ đợi vì không có sẵn cổ phiếu để giao dịch.

Kết quả của phiên đấu giá này đã được dự đoán từ trước, khi TTCK ảm đạm, giao dịch ở mức thấp và giá khởi điểm tương đương thị giá cổ phiếu PVG trên sàn. Ông Trần Trọng Hữu, Tổng giám đốc PVG chia sẻ, trong lần tăng vốn trước, Công ty phát hành cho cổ đông hiện hữu và thành công, lần này muốn mở rộng đối tượng phát hành nên PVG đã chọn hình thức đấu giá cổ phần theo tư vấn của CTCK. Thủ tục xin phép, chuẩn bị cho đợt đấu giá mất gần 4 tháng, trùng thời điểm TTCK sụt giảm, vì thế mức giá khởi điểm của PVG trở nên lạc hậu do thị giá của cổ phiếu giảm tới 40% so với khi quyết định giá khởi điểm. Thất bại trong lần đấu giá này, trong khi nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, xây dựng kho chứa vẫn rất cần thiết, nên Công ty sẽ chọn cách huy động khác, có thể tính đến việc phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức.

Tại buổi giới thiệu thông tin DN trước thềm đấu giá của PVG, khá đông nhà đầu tư tham dự với mục đích nghe ngóng thông tin chứ không phải vì họ tham dự phiên đấu giá, mặc dù theo định giá của CTCK PSI, đơn vị tư vấn cho PVG, giá trị cổ phiếu này đạt 27.000 đồng - gấp đôi thị giá trên sàn. Một nhà đầu tư chia sẻ, với những diễn biến không đoán trước của TTCK, giá chào bán cổ phiếu PVG phải thấp hơn ít nhất 30% thị giá cổ phiếu trên sàn, vì thời gian để đưa cổ phiếu phát hành thêm vào giao dịch ít nhất cũng mất 3 - 4 tháng.

 

Nhìn về đầu tư dài hạn

Giải thích lý do tại sao tháng 11 tập trung nhiều đợt đấu giá cổ phần, một cán bộ Sở GDCK TP. HCM cho biết, quý III, nhiều công ty dự kiến đấu giá cổ phần, nhưng thị trường giảm điểm và giao dịch ảm đạm, nên các DN có ý giãn nguồn cung sang quý IV.

Điểm đáng chú ý của các đợt đấu giá cổ phần lần này là giá khởi điểm được nhiều DN ấn định ở mức hợp lý. Đơn cử, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam đấu giá 8,8 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.900 đồng/CP. Đây là DNNN có quy mô không lớn (vốn điều lệ 500 tỷ đồng), quy mô vốn này, theo kỳ vọng của một số nhà đầu tư, có thể giúp Tổng công ty hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, đồng thời là DNNN nên quỹ đất tại Hà Nội và các đô thị của Tổng công ty khá dồi dào, đây là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn cho DN. Với mức giá khởi điểm như trên, một bộ phận cán bộ nhân viên DN này đã tích cực tham gia đấu giá với mục đích đầu tư dài hạn, coi như gửi tiền tiết kiệm.

Đợt đấu giá 95 triệu cổ phần của PVGas với giá khởi điểm 31.000 đồng/CP được lãnh đạo tổng công ty này tin tưởng sẽ thành công với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức. Một lãnh đạo của PVGas nói, với quy mô lớn và tiềm năng của ngành công nghiệp khí, trong danh mục của nhiều nhà đầu tư tổ chức không thể thiếu PVGas. Ngoài PVGas ấn định mức giá khởi điểm đầu 3, nhiều đợt đấu giá cổ phần khác đưa ra giá khởi điểm xấp xỉ mệnh giá như Phân bón Bình Điền (11.000 đồng), Chứng khoán BIDV (10.300 đồng)… Với tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam hiện nay, giá khởi điểm thấp luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, trong khi chất lượng hoạt động của những DN sắp đấu giá cổ phần được đánh giá tương đối ổn định.

Tuy vậy, có một điểm chưa được các DN chú trọng là công tác quảng bá thông tin. Ngoài PVGas xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thông tin của các DN khác rất mờ nhạt, thậm chí là không có. Ngày 9/11, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam đấu giá cổ phần, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng của Tổng công ty hiện vẫn chưa được công bố, tìm đọc bản cáo bạch cũng rất khó khăn và trang web của DN đăng toàn thông tin cũ (chủ yếu năm 2006 - 2007). Nếu DN thờ ơ với chính đợt đấu giá cổ phần của mình, thì làm sao nhà đầu tư có thể quan tâm, dù yếu tố khách quan từ việc thị trường chính thức suy giảm có tác động lớn.

Thùy Linh
Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục