Trong một bài phân tích có tiêu đề "Đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với xuất khẩu dầu của Nga", các nhà nghiên cứu từ Đại học Columbia, Đại học California và Viện Tài chính Quốc tế ước tính rằng, dầu của Nga đã được bán ở mức giá trung bình là 74 USD/thùng trong tháng mà cơ chế trần giá đầu tiên có hiệu lực vào ngày 5/12. Thậm chí, xuất khẩu dầu Nga từ các trung tâm Thái Bình Dương, vốn rất quan trọng để giao dịch với Trung Quốc, còn có giá trung bình cao hơn là 82 USD/thùng.
Điều này trái ngược với các ước tính khác vốn cho rằng nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi lệnh trừng phạt được áp đặt vào năm ngoái. Theo dữ liệu từ Argus Media, dầu thô Urals hàng đầu của Nga đã giao dịch ở mức 37,80 USD/thùng vào đầu tháng 1/2023, thấp hơn một nửa so với giá dầu thô Brent giao dịch quanh mức 80 USD/thùng.
Sự khác biệt đó phần lớn là do Nga giảm giá mạnh cho các đồng minh của mình đối với dầu thô sau khi lệnh trừng phạt của EU được áp dụng vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã bị hạn chế đáng kể, thì các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga vẫn chưa được chiết khấu đến mức đó.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết, nhu cầu bên ngoài EU dường như vẫn ở mức cao và các nhà cung cấp dầu của Nga không tuân thủ mức trần giá của phương Tây. Khoảng 50% lượng dầu của Nga được vận chuyển bằng đội tàu "ngầm" của nước này, đây là một nhóm tàu chở dầu nhằm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Dựa trên phân tích của chúng tôi, chúng tôi kết luận rằng, trọng tâm của chính sách trong tương lai là thực thi các biện pháp trừng phạt hiện có đối với dầu của Nga cùng với việc hạ trần giá dầu", bài phân tích cho biết.
Các chuyên gia trong ngành đã hoài nghi về tính hiệu quả của cơ chế trần giá trong việc yêu cầu dầu thô của Nga phải được bán dưới ngưỡng giá nếu các nhà cung cấp đang sử dụng dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của phương Tây. Nhưng một quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết, không có cách nào để các công ty bảo hiểm thực sự thực thi các quy tắc đó, đồng thời "không phải là vô lý" khi Nga vẫn xuất khẩu khoảng 80 - 90% lượng dầu của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga và tuyên bố sẽ tăng cường thương mại với các đồng minh để bù đắp cho sự thiếu hụt nhu cầu dầu mỏ. Điện Kremlin đã cam kết sẽ tăng cường thương mại với Trung Quốc với mục tiêu đạt kim ngạch thương mại 200 tỷ USD trong năm nay.