Sacombank dần hồi sinh
Trước thềm Đại hội đồng cổ đông Sacombank năm 2017, giới đầu tư đặc biệt quan tâm tới nhóm cổ đông trong và ngoài nước, gồm Evercore Group (công ty hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York), Redsun Capital Limited (một công ty tư vấn chuyên vềM&A) và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Giới đầu tư hy vọng, nhóm cổ đông này sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng để cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động.
Thế nhưng, cái kết thật bất ngờ, khi Sacombank chốt danh sách ứng viên ứng cử HĐQT nhiệm kỳ mới không có tên các nhà đầu tư kể trên và ông Dương Công Minh đã trở thành Chủ tịch Sacombank vào cuối tháng 6/2017.
Sau khi tại vị ở ghế “nóng” Sacombank, ngoài việc thay đổi lại cơ cấu nhân sự, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, ông Minh muốn xóa dấu tích của “cha đẻ” nhà băng này là ông Đặng Văn Thành, bằng cách đổi mã cổ phiếu STB của Sacombank đang niêm yết trên sàn HoSE thành mã SCM và chuyển sàn niêm yết sang HNX. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được cổ đông thông qua.
Có thể nói, ông Minh đã ghi điểm với một vụ thâu tóm lịch sử. Đổi lại, Sacombank có cơ hội đón nhận hàng ngàn tỷ đồng “tiền tươi” từ nhóm cổ đông Him Lam.
Để chuẩn bị thương vụ này, Him Lam đã thoái toàn bộ vốn khỏi LienVietPostBank - nơi ông Minh từng đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT.
Sacombank đang dần thay đổi từ kết quả kinh doanh, tiến trình xử lý nợ xấu đến “mạch máu” nhân sự.
Từ khi trở thành Chủ tịch Sacombank, ông Minh được kỳ vọng mang đến một làn gió mới cho Ngân hàng. Ông là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản - ngân hàng.
Việc Him Lam tham gia tái cơ cấu Sacombank được đánh giá là có nhiều điểm thuận lợi, do ngân hàng này có khối nợ xấu khủng, trong đó có nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Quả thực, Sacombank đang dần thay đổi từ kết quả kinh doanh, tiến trình xử lý nợ xấu đến “mạch máu” nhân sự… Kết thúc năm 2017, Sacombank đạt hơn 1.488 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 9,5 lần so với năm 2016 và đặt mục tiêu 1.640 tỷ đồng cho năm 2018.
2017 cũng là năm đầu tiên Sacombank hoạt động theo Đề án Tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Sacombank đã đạt được những kết quả khả quan và tăng trưởng tích cực.
Khó sớm xử lý hết nợ xấu
Sacombank từng là một trong những ngân hàng “ăn nên làm ra” dưới thời ông Đặng Văn Thành những năm 1996 - 2011. Sacombank đã được ông Thành xây dựng với một nền tảng vững chắc, trong đó đặc biệt nhất là giá trị con người.
Thế nhưng, tình hình đã nhanh chóng đảo chiều cùng khó khăn chồng chất dưới thời ông Trầm Bê chỉ sau 2 năm điều hành.
Sau cuộc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank cuối năm 2015, thực tế không toàn màu hồng.
Lợi nhuận của Sacombank năm 2015 chỉ còn chưa đầy 700 tỷ đồng và năm 2016 còn chưa nổi 100 tỷ đồng, do phải dành gần hết lợi nhuận làm ra để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mà SouthernBank mang về sau sáp nhập.
Báo cáo hợp nhất năm 2017 của Sacombank:
Tổng tài sản đạt gần 369.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, cấu trúc danh mục tài sản có sự chuyển biến tích cực;
Tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 325.000 tỷ đồng, tăng 11,5%;
Cho vay khách hàng gần 223.000 tỷ đồng, tăng 12,1%, cơ cấu tín dụng cải thiện theo hướng giảm tỷ trọng cho vay trung, dài hạn;
Tổng thu nhập đạt gần 8.650 tỷ đồng, tăng 32,4% so với năm trước, trong đó, nguồn thu của khối cá nhân chiếm gần 2/3, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng.
Đã xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm 2017, trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng thuộc Đề án Tái cơ cấu.
Tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.
Vì vậy, ông Minh cho biết, bên cạnh việc tiếp tục tập trung mở rộng hoạt động ngân hàng bán lẻ, năm 2018, Sacombank vẫn phải đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu.
Trên nền tảng những thành quả và những bài học kinh nghiệm quý giá đã đúc kết được, Sacombank sẽ tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản.
Với nhận định tích cực về sự thuận lợi khách quan của thị trường bất động sản, về cơ chế, chủ trương cũng như hành lang pháp lý thông qua Nghị quyết 42 và các cơ chế của Đề án Tái cấu trúc Sacombank, Chủ tịch Dương Công Minh cũng quyết liệt đặt mục tiêu và định hướng giải pháp xử lý nợ xấu cho toàn hệ thống Sacombank trong thời gian tới.
Mặc dù đã nỗ lực xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm qua, song người đứng đầu Sacombank thừa nhận, phải tối thiểu 3-5 năm nữa, Ngân hàng mới có thể xử lý được hết nợ xấu. Sacombank đã và đang “gồng mình” để tìm và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản tồn đọng.
Có thể nói, Sacombank đang phải chạy đua với thời gian để xử lý nợ. Thời gian gần đây, Sacombank liên tục thông báo bán đấu giá công khai các tài sản đảm bảo thu hồi nợ.
Ngân hàng không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là bán ngay. Ngoài ra, trên trang web của Ngân hàng còn đăng tải công khai các tài sản cần thanh lý là bất động sản, xe cộ.
Sacombank đưa ra mục tiêu năm nay là giải quyết được giá trị nợ xấu tối thiểu tương đương số nợ đã xử lý trong năm 2017. Việc xử lý nợ không chỉ phụ thuộc vào sự cố gắng, năng động, quyết tâm của Ngân hàng, mà còn cả biến động thị trường bất động sản, thị trường tài chính.
Song ông Minh tin rằng, với các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục cải thiện, kinh tế tăng trưởng, việc tháo gỡ nợ của Sacombank sẽ thuận lợi.
Hiện cá nhân ông Minh sở hữu 3,32% cổ phần Sacombank. Tổng tỷ lệ cổ phần của ông và những người liên quan đến ông là 7,47%.
Tới đây, ông sẽ từ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam theo quy định mới của Luật Tổ chức tín dụng, để dành thời gian nhiều hơn cho Sacombank. Ông cho biết, sẽ mua thêm cổ phiếu Sacombank theo quy định cho phép.