Dấu ấn chứng khoán tháng 7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những ngày cuối tháng 7, TTCK có nhiều phiên nhuộm đỏ, giảm mạnh. Đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng của tháng, VN-Index không thể giữ được ngưỡng 800 điểm, trong khi đa số ngày trong tháng chỉ số này thường xuyên ở 865-876 điểm.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Gần 50% cổ phiếu rơi giá về vùng đáy tháng 3

Phiên 24/7 ghi một dấu ấn buồn trên TTCK Việt Nam. Thông tin về ca dương tính với Covid-19 xuất hiện trở lại sau 99 ngày Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, đã khiến TTCK phản ứng tiêu cực. Từ 24/7 -31/7, VN-Index mất 30,77 điểm, rơi từ 829,16 điểm về 798,39 điểm, tương đương mất 3,7%.

Tính riêng phiên 24/7, thanh khoản được đẩy lên mức cao nhất kể từ 12/6/2020, giá tri khớp lệnh đạt gần 6.837 tỷ đồng.

Phiên đầu tiên của tuần cuối tháng 7, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc với thanh khoản gần 6.000 tỷ đồng, nhưng đóng cửa chỉ số VN-Index giảm 43,99 điểm còn 785,17 điểm- mức giảm ngang với 2 phiên giảm mạnh nhất trong tháng 3 khi bệnh Covid 19 đẩy nỗi lo lên cao trào.

Thanh khoản tăng trong những phiên đặc biệt của tháng 7 cho thấy, có một lượng cổ phiếu lớn được trao tay giữa những người tháo chạy và những người tin vào cơ hội sắp tới.

Hiện có 30% số mã trên sàn HOSE đang ở dưới mức giá đáy cuối tháng 3 vừa qua; 10% số mã đang có giá tương đương với vùng đáy.

Do vậy, nhịp giảm này là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho chiến lược đầu tư từ 3 đến 6 tháng tới. Ðiểm khác biệt trong lần thị trường giảm này là sự tham gia mua ròng của khối ngoại, không giống đợt giảm trong tháng 3 vừa qua, khối ngoại chủ yếu bán ròng.

Theo thống kê từ Fiin Trade, tính đến phiên 29/7, khoảng 48% số cổ phiếu trên cả 3 sàn giao dịch đều đã rơi về vùng giá thấp hơn hoặc bằng thời điểm VN-Index chạm đáy 659,21 điểm (ngày 24/3/2020).

Về phía nhà đầu tư, nhiều tài khoản đang phải chịu áp lực bán giải chấp, nhiều khách hàng đã phải bổ sung tiền ký quỹ. Một số CTCK cũng có thông báo cắt giảm danh mục cho vay margin và yêu cầu khách hàng bổ sung ký quỹ khi nhiều thông tin kém khả quan bủa vây thị trường.

Dòng tiền bắt đáy có lúc chùn tay

Thông tin về đại dịch với số ca nhiễm, nghi nhiễm được tăng lên hàng ngày cũng nhiều phen làm “chùn tay” dòng tiền nhập cuộc bắt đáy, có phiên thanh khoản sụt giảm chỉ còn hơn 2.500 tỷ đồng. Về diễn biến của khối ngoại, họ bắt đầu mua ròng hơn 272 tỷ đồng từ phiên giảm mạnh thứ Sáu tuần trước (24/7).

Ðà mua ròng được nối dài trong 4 phiên tiếp theo với tổng giá trị lên tới 1.086 tỷ đồng trên HOSE. Tuy nhiên, phiên 30/7, khối ngoại “giảm nhiệt”, bán ròng hơn 17 tỷ đồng, nhưng phiên 31/7, khối này bán ròng mạnh, gần 130 tỷ đồng trên HOSE.

Dấu ấn chứng khoán tháng 7 ảnh 1

Giá trị mua bán ròng khớp lệnh của khối ngoại trên HSX. (Đơn vị: tỷ đồng).

Dù vậy, động thái mua vào liên tiếp của khối ngoại trong những phiên “đỏ lửa” của chứng khoán Việt Nam đã góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư, dù chưa thể nhận định rõ, động thái này là đang bơm tiền vào khi nhìn thấy cơ hội thị trường hay là áp lực phải giải ngân khi khối này đã bán ròng mạnh những tháng trước đó.

Về các quỹ đầu tư, ngay trong tuần xuất hiện ca dương tính với Covid-19, Quỹ Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) được bơm vốn mạnh với 5,7 triệu USD, tương đương gần 60% tổng lượng vốn hút ròng từ trong 2 tháng trước đó.

Theo đó, quỹ này cũng mạnh tay mua ròng nhiều cổ phiếu như POW, VRE, HPG, SSI, SBT, NVL, VHM, GEX…Ngay tuần trước đó, Quỹ cũng hút khoảng 2,15 triệu USD vào quỹ.

Trong khi đó, với khối tự doanh, diễn biến mua bán ròng diễn ra thường xuyên trong suốt tháng 7, đáng kể là trong phiên 29/7, khối tự doanh đảo chiều bán ròng 264 tỷ đồng, vượt tổng giá trị mua ròng của khối tự doanh trong 4 phiên liên tiếp trước đó.

Nhà đầu tư nên làm gì tới đây?

Khuyến nghị được hầu hết các công ty chứng khoán đưa ra là nhà đầu tư cần bình tĩnh, không bán cổ phiếu trong sự hoảng loạn, mà cẩn trọng, có thể xem xét các nhịp hồi phục kỹ thuật hiện tại để cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro.

Ðồng thời, theo dõi những cổ phiếu có cơ bản tốt đang bị giảm mạnh sẽ giúp nhà đầu tư có được khoản đầu tư tốt khi thị trường chứng khoán hồi phục trở lại.

Trong báo cáo giữa tháng 7, Mirae Asset đưa ra danh mục cổ phiếu “con bò sữa” thành 3 nhóm. Thứ nhất, các cổ phiếu ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có mức thu nhập cổ tức cao.

Thứ hai, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng có mức cổ tức cao và có khả năng duy trì. Thứ ba là nhóm các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, nhưng có thể theo dõi thêm trong trường hợp giá giảm về mức hợp lý.

Cụ thể hơn, ở nhóm các cổ phiếu ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có mức thu nhập cổ tức cao là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ, kèm theo mức chi trả cổ tức các năm qua duy trì ở mức cao.

Ðiểm trừ của các doanh nghiệp này là yếu tố thanh khoản duy trì ở mức thấp, có thể do cổ đông có xu hướng nắm giữ để hưởng cổ tức.

Nhóm doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, nhưng có thể theo dõi thêm trong trường hợp giá giảm về mức hợp lý là những doanh nghiệp có mức cổ tức/thị giá trên 5%, thuộc các ngành nghề ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có tính ổn định cao trong quá khứ. Trong mọi lựa chọn, điều cần thiết là cổ phiếu phải có thanh khoản, ít nhất 1 tỷ đồng/phiên.

Hiểu Lam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ