DATC mua nợ, cứu LM3

(ĐTCK) Thị giá cổ phiếu LM3 của CTCP Lilama 3 chỉ 2.700 đồng (tại thời điểm 11/10/2012), nhưng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) lại chấp nhận mua 1,65 triệu cổ phần LM3 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 24% vốn điều lệ Lilama 3 sau phát hành. Vì sao lại có sự bất thường này?
Ông Phạm Thanh Quang Ông Phạm Thanh Quang

ĐTCK đã trao đổi với ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC về vấn đề này.

Thưa ông, thị giá cổ phiếu LM3 hiện chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu. Vậy tại sao DATC không mua trên thị trường, mà lại chấp nhận phương án mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá bằng mệnh giá?

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã  nghiên cứu và thỏa thuận với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) về việc tham gia tái cấu trúc một số đơn vị thuộc Tổng công ty. Đây là một phần của chương trình tham gia tái cấu trúc các tổng công ty lớn, trong đó có Lilama, và Lilama 3 là thành viên.

Việc mua cổ phần phát hành riêng lẻ trên thực tế sẽ được thực hiện trên cơ sở chuyển một phần nợ mà DATC đang đàm phán mua từ chủ nợ thành vốn cổ phần, chứ không phải là việc góp tiền mới. Đây là một phần của quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ tại Lilama 3, giúp Lilama 3 có thể hoạt động ổn định và đi lên.

 

Vậy ông có thể cho biết, vì sao DATC lại tham gia tái cấu trúc Lilama 3? Tình trạng tài chính, hoạt động sản xuất của Lilama 3 hiện nay thế nào?

Lilama 3 là đơn vị chuyên về cơ khí lắp máy, với hoạt động trước kia tập trung vào mảng cung cấp phụ kiện thiết bị cho lĩnh vực xi măng, thủy điện, đóng tàu, thép. Các lĩnh vực này thời gian gần đây đều khó khăn. Đơn hàng sụt giảm, trong khi khách hàng là các dự án xi măng, thủy điện… cũng nợ Lilama 3 rất nhiều, khiến Công ty bị ứ đọng vốn lưu động lớn.

Thêm vào đó, vốn điều lệ của Lilama 3 chỉ có 51,5 tỷ đồng, nhưng Công ty lại đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Bạch Hạc, với tổng mức đầu tư giai đoạn I theo dự kiến là hơn 282 tỷ đồng. Sử dụng vốn vay để đầu tư, lãi suất lớn, trong khi nguồn hàng gia công giảm…, đẩy Lilama 3 vào tình trạng rất khó khăn về thanh khoản, hoạt động kinh doanh vì thiếu vốn lưu động cũng trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất của Lilama 3 chính là vấn đề thanh khoản và chi phí lãi vay lớn. Cải thiện được vấn đề này, Lilama 3 sẽ có thể hoạt động ổn định. Ngay Nhà máy Bạch Hạc, dù chưa hoàn thiện và chưa bàn giao đầy đủ để chuyển từ xây dựng dở dang sang tài sản cố định để tính khấu hao, nhưng phần quan trọng của nhà máy để đảm bảo có thể hoạt động được đã hoàn thành.

Với hoạt động gia công cơ khí, tỷ suất lợi nhuận trên mỗi hợp đồng không lớn. Đặc biệt, hoạt động của Lilama 3 lại liên quan nhiều đến yếu tố cầu quốc tế về đóng tàu, nên không thể kỳ vọng kh?i s?c nhanh. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, với việc DATC tham gia tái cấu trúc, Lilama 3 sẽ dần tốt lên.

 

Ông đã nhắc đến một đề án tái cấu trúc Lilama 3. Xin ông có thể cho biết chi tiết hơn về đề án này?

Đề án này của chúng tôi bao gồm việc mua lại nợ của Lilama 3, tham gia góp vốn cổ phần và kết hợp với Lilama, ngân hàng hỗ trợ toàn diện Công ty trong việc quản trị dòng tiền, sản xuất, cân đối các nguồn lực tài chính.

Hiện nay, chúng tôi mới làm bước 1 là tham gia sở hữu cổ phần, đang thực hiện đàm phán mua lại nợ của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), một trong những chủ nợ lớn của Lilama 3. Mặc dù mới ở giai đoạn đầu của quá trình, nhưng trên thực tế, chúng tôi đã xuống làm việc rất chi tiết với các bên, tham gia đàm phán với cả Lilama, Lilama 3 và phía Ngân hàng. Trong đó, phía Lilama, Lilama 3 cũng đã tham gia ký kết các biên bản làm việc 3 bên để đảm bảo quá trình tái cấu trúc diễn ra suôn sẻ.

Việc mua lại nợ cũng đang được tiến hành đàm phán và có thể sẽ có kết quả trong tháng 10 này. Chúng tôi đang xây dựng phuơng án và đàm phán để mua nợ từ Vietinbank. Hiện tại, Lilama 3 đang có các khoản nợ đến hạn phải trả lớn, vượt cả tài sản lưu động. Việc mua nợ này thành công, kết hợp với việc giảm lãi suất vay vốn các khoản nợ đã mua lại cho Lilama, có thể bao gồm thêm cả việc cân nhắc giảm, xóa một phần nợ lãi phát sinh, nợ gốc (tùy theo giá mua nợ cụ thể) sẽ giúp Lilama 3 giảm được áp lực trả nợ và lãi phát sinh. Để làm được điều này, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng, không chỉ trong quá trình đàm phán mua nợ, mà cả sau này, khi Lilama 3 hoạt động tốt hơn.

Đối với việc cân đối các nguồn, thu hồi nợ… của Lilama 3, như chúng ta cũng thấy, Lilama 3 có tới gần 200 tỷ đồng nợ phải thu các đối tượng khác. Khi tham gia vào tái cấu trúc, chúng tôi cũng phải lên các phương án xử lý thu hồi nợ và cân đối nguồn tiền cho Công ty. DATC có hệ thống một số công ty có thể tham gia vào quá trình cấn trừ tài sản để thu hồi nợ cho Lilama 3 và chúng tôi sẽ cố gắng thu hồi nợ về cho Công ty, từ đó làm giảm áp lực vay vốn, tăng nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất cho Công ty.

Bên cạnh đó, DATC cũng đã đàm phán với Lilama, để Tổng công ty có chính sách hỗ trợ Lilama 3 một cách rõ ràng. Lilama 3 sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ toàn diện của Tổng công ty me, từ đơn hàng đến tài chính.... Dù sao, Lilama 3 cũng là công ty con của Lilama, cũng có nhiều phần vốn góp của Tổng công ty.

 

Ngoài Lilama 3, DATC hiện tham gia vào quá trình tái cơ cấu các DN nào khác nữa không, thưa ông?

Hiện tại, chúng tôi đang tham gia nghiên cứu đàm phán mua bán nợ của khá nhiều DN, với tổng số nợ xấu đàm phán mua lại ước lên tới 10.000 tỷ đồng, với các DN ở nhiều lĩnh vực, cả niêm yết và chưa niêm yết.

Ví dụ, chúng tôi đang đàm phán và gần xong quá trình tham gia tái cấu cấu nợ tại Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (dự kiến trong quý IV/2012 sẽ thực hiện IPO), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (đang đàm phán và cũng đã bắt đầu mua nợ, dự kiến đầu năm 2013 sẽ thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động), CTCP Đầu tư XNK Cà phê Tây Nguyên, CTCP Thủy sản Bình An… Ngoài ra còn một số công ty đã niêm yết khác như: CTCP Tập đoàn Thái Hòa, CTCP Nhựa Tân Hóa, CTCP Vitaly...

Bùi Sưởng thực hiện
Bùi Sưởng thực hiện

Tin cùng chuyên mục