Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Đan Phượng cho biết, sắp tới, UBND huyện sẽ tổ chức bán đấu giá một số khu vực đất xen kẹt được Thành phố Hà Nội cho phép chuyển sang làm đất ở tại ba xã Tân Lập, Tân Hội, Song Phượng.
“Huyện công bố đấu giá, nhưng có rất ít hồ sơ xin đấu giá”, ông Hoàng nói.
Huyện Đan Phượng cách đây hai năm được mệnh danh là thiên đường của thị trường BĐS. Giá đất ở đây có lúc được đẩy lên 70 - 80 triệu đồng/m2 đất thổ cư. Khi đó, nhiều người cho rằng, tương lai đất ở đây hơn hẳn Hoài Đức, thậm chí cả Nhổn, vì có hai dự án lớn là cầu Thượng Cát nối với đường vành đai 4 cùng Đại lộ phía Tây chạy qua. Nhưng hơn một năm trở lại đây, hầu như chẳng có ai đoái hoài.
Theo ông Hoàng, hiện tại, giá đất trung bình ở các xã này khoảng hơn 10 triệu đồng/m2. Đất tại trục đường 32 tại thị trấn Phùng khoảng 30 triệu đồng/m2 .Cũng như một số địa phương khác, Đan Phượng có có một số dự án khu công nghiệp được quy hoạch, song trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên các dự án ở đây vẫn đang án binh bất động.
Theo quan sát của PV, dọc trục đường 32 đoạn từ Kim Chung (Hoài Đức về Phùng) trước kia các văn phòng bất động sản mọc lên ùn ùn. Nhưng đến đầu năm nay, hầu như không còn văn phòng nào hoạt động. Một số văn phòng nhỏ đóng cửa, một số văn phòng lớn thì chuyển sang mua bán, kinh doanh ô tô cũ. Người dân ở Hoài Đức cho biết, giá đất thổ cư gần mặt đường 32 chỉ tầm trên 20 triệu đồng/m2. “Giá đấy cũng chỉ là ước đoán thế, chứ cả năm nay, tôi có thấy ai về mua đâu”, ông Hoan, một chủ quán nước tại xã Kim Chung nói.
Tại một số xã thuộc huyện Từ Liêm, giá đất thổ cư cũng giảm mạnh. Trục đường 69, Đông Ngạc hơn một năm trước đường xấu, lầy lội, giá đất thổ cư là 50 - 60 triệu đồng/m2. Nay đường được nâng cấp thông thoáng, giá cũng chỉ là 40 triệu đồng/m2. Đất trong ngõ có giá dưới 30 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Thành Nam, phòng giao dịch bất động sản trên đường Trần Đăng Ninh cho biết, có căn nhà mặt đường ở huyện Từ Liêm rao từ cuối năm ngoái, đến nay vẫn chưa có khách hàng nào hỏi mua.
Cũng nằm trong cảnh chợ chiều của thị trường bất động sản, khu vực đất thổ cư tại huyện Sóc Sơn dường như chìm hẳn. Nếu như hơn một năm trước, đất ở các xã như Minh Trí, Nam Sơn trung bình 5 - 6 triệu đồng/m2, thì nay chỉ còn 2 triệu đồng/m2.
“Đất nội thành chẳng bán được thì đất ngoại thành ai mua. Cơ sở hạ tầng ở đây vẫn thế, dân vẫn làm nông nghiệp lầm lũi, dự án thì chẳng thấy đâu, ai dám đầu tư”, một nhà đầu tư nói như than vãn.