Lời Tòa soạn: Nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi, hòng trốn thuế tài nguyên của doanh nghiệp khai thác khoáng sản (đất, cát, đá) ở một số tỉnh miền Trung đã được nhận diện. Hành vi này, ngoài mối lợi lớn, có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, để doanh nghiệp mặc sức tung hoành.
Bài 1: Đại công trường khai thác đất, cát lậu
Những cánh rừng ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế như bị dội bom. Ở đây, “đất tặc” ngang nhiên công phá những đồi đất và vô hiệu hóa pháp luật. Họ là ai và liệu có thế lực nào chống lưng cho việc làm phi pháp này?
Ngang nhiên băm nát rừng, sông
Sau nhiều tháng lần theo các đoàn xe ben “ăn” đất, chúng tôi tiếp cận một “đại công trường” khai thác đất lậu tại một cánh rừng keo ở vùng Nong (một tên gọi khác từ thời xa xưa của xã Lộc Bổn). Trên đường dẫn vào “mỏ đất” này, thường xuyên xuất hiện nhóm “chim lợn” cảnh giới. Chỉ cần thấy người lạ, nhóm “chim lợn” này liền bám sát, dùng ô tô hoặc xe máy theo sát từ đầu làng đến cuối thôn. Khi tiếp cận được mỏ đất lậu này, thì các phương tiện đã sớm lẩn đi rất nhanh. Lúc này, hiện trường chỉ còn lại là vùng đất như vừa bị “dội bom”.
Tại thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn (nằm kề Tỉnh lộ 15), hàng ngày có hàng chục lượt xe ben vào “ăn” đất. Khu vực này từng bị báo chí “điểm mặt” cụ thể từng biển số xe, đối tượng vi phạm và phản ánh vào năm 2020. Thông tin phản ánh cũng được chuyển đến chính quyền xã Lộc Bổn. Chính quyền xã này sau đó tiến hành kiểm tra, xử lý, nhưng điều khó hiểu là, đến năm 2023, những phương tiện và đối tượng bị nêu tên ấy vẫn tiếp tục quay trở lại khu vực này khai thác đất không phép.
Qua nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện tại đây xuất hiện xe múc đất đưa lên các xe ben mang biển kiểm soát 75C-091.52, 75C-109.54, 75C-126.32… để mang đi tiêu thụ. Một số xe trong đoàn xe đến lấy đất hằng ngày tại khu vực mỏ phi pháp này mang ký hiệu “TT123”.
Tại hiện trường, việc khai thác đất không phép diễn ra ngang nhiên. Khu vực rừng bị đào đất ngày càng phình to về bán kính, để lại những khóm đất trơ trắng, không khác gì… bộ xương thú.
Khiếp hãi hơn, mỏ đất lậu này lan ra tới mép Tỉnh lộ 15, nằm ngay chân trụ điện đường dây 500 kV, uy hiếp an toàn của hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhưng không gặp bất kỳ sự cản trở nào.
Ông Bạch Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Bổn khẳng định, trên địa bàn xã hiện không có mỏ đất nào được cấp quyền khai thác. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn cán bộ chức trách xã đi cùng vào hiện trường, ông Thanh nói: “Lúc này, anh em đi làm bên ngoài hết cả rồi”. Rồi ông Thanh hứa sẽ cho lực lượng chức trách của xã đi kiểm tra sau.
Vài ngày sau, chúng tôi quay lại “mỏ đất” nằm ngay chân trụ điện đường dây 500 kV, thôn Hòa Vang 1, Lộc Bổn, thì phương tiện khai thác, vận chuyển đất san lấp biến mất. Vấn nạn khai thác đất “lậu” tưởng chừng như được ngăn chặn, nhưng vào cuối tháng 4/2023, chúng tôi tiếp tục trở lại “mỏ đất” phi pháp này, thì phát hiện đoàn xe múc, xe ben tái xuất hiện, đua nhau “ăn” đất.
Cũng như lần trước, các phương tiện nhanh chóng rút khỏi đây, khi phát hiện có phóng viên. Có lẽ “đất tặc” đã bị đánh động, vì sau đó, khu vực này đã “vãn hồi trật tự”. Nhưng lúc này, một mỏ đất không phép mới lại mọc lên trong khu rừng keo tại thôn Hòa Vang 3, xã Lộc Bổn (thuộc thửa đất số 130, tờ bản đồ 51), cách mỏ đất phi pháp ở thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn khoảng 2,5 km (tính theo đường chim bay).
Tại đây, các phương tiện xe múc xe ben đi theo Tỉnh lộ 15, qua cầu chui cao tốc Bắc - Nam qua xã Lộc Bổn, theo đường lâm sinh (đường mở vào rừng trồng) vào “mỏ”. Dọc đường đi vào khu vực khai thác đất đều có bóng dáng của “chim lợn”. Tiếp cận hiện trường, chúng tôi nhận thấy đất rừng bị tàn phá với tầm mức ngang ngửa mỏ đất “lậu” cũ. Cả một vùng đất rừng trồng bị gàu múc xe cơ giới ngoạm sâu, lấy đất đưa đi tiêu thụ.
Các phương tiện “TT123” mang đất đi tiêu thụ. |
Giám đốc Công ty thừa nhận “ăn” đất không phép
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, ngày 12/4/2023, UBND xã, Công an xã Lộc Bổn đã mời những người liên quan đến vấn nạn khai thác đất không phép tại thôn Hòa Vang 1 (cạnh Tỉnh lộ 15) lên làm việc. Trong số đó có ông Nguyễn Hữu Thành Tâm (trú tại xã Lộc Bổn). Ông Tâm xác nhận là chủ những xe ben tải mang biển kiểm soát 75C-091.52, 75C-109.54, 75C-126.32… (mang “ký hiệu” TT123). Ông Tâm cũng là người tổ chức các phương tiện đến thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01 (xã Lộc Bổn), loại đất trồng rừng sản xuất để khai thác đất không phép.
Lúc này, ông Tâm mới “lòi” ra vai trò là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát (đóng tại thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn). Thửa đất mà ông Tâm tổ chức khai thác lấy đất không phép tọa lạc tại thôn Hòa Vang 1, do Hợp tác xã An Nông I, xã Lộc Bổn quản lý. Năm 2008, Hợp tác xã này giao cho một hộ dân trong xã nhận khoán trồng và chăm sóc rừng. Thế nhưng, hộ dân này đã “thông đồng” với một hộ dân khác bán đất không phép cho ông Tâm để lấy 400 triệu đồng.
Từ đó, ông Tâm khai thác đất như chốn không người. UBND xã Lộc Bổn xác định, hành vi mua bán đất trồng rừng lẫn khai thác đất làm vật liệu san lấp thông thường của ông Tâm và những người liên quan đều trái pháp luật.
Báo cáo với UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Bổn cho biết “sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. Không hiểu năng lực xử lý của chính quyền xã Lộc Bổn đến đâu, mà không lâu sau đó, tình trạng khai thác đất không phép tiếp diễn.
Cụ thể là, khi “mỏ đất” ven Tỉnh lộ 15 “bị động”, những người này chuyển sang khai thác “mỏ đất” mới, nằm sâu hơn trong rừng trồng (thuộc thửa đất số 130, tờ bản đồ 51, xã Lộc Bổn).
Thửa đất Hợp tác xã An Nông 1 quản lý (thôn Hòa Vang 3) bị khai thác tan hoang. |
Trầm trọng hơn, khi chúng tôi tiến sâu vào thượng nguồn sông Nong, thì bàng hoàng phát hiện một “đại công trường” xe múc, xe ben mang ký hiệu của “TT123” rầm rộ đào múc cát sỏi dưới lòng sông Nong, như thể tài nguyên khoáng sản chỉ cần đào lên và bán để thu lợi. Trong tháng 5/2023, chúng tôi phát hiện “đoàn” xe ben (75C-109.54, 75C-079.18, 75C-091.52…) đến “đại công trình” này “ăn” cát mang đi tiêu thụ. Trước đầu các xe này đều in ký hiệu “TT123” và chủ xe là bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1966, ở tổ 13, thôn Hòa Vang 3, xã Lộc Bổn). Bà Huệ chính là thân mẫu của ông Nguyễn Hữu Thành Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát. Ông Tâm đã thừa nhận với Công an xã Lộc Bổn là chủ các phương tiện có gắn dòng chữ “TT123” và là người tổ chức khai thác đất không phép trên thửa đất số 344, tờ bản đồ số 01, thôn Hòa Vang 1, xã Lộc Bổn mà chúng tôi đã nêu ở trên.
Liên quan đến vụ việc này, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ông Hoàng Văn Đề cho biết, cơ quan chức năng của huyện đang củng cố hồ sơ để xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chi cục Thuế khu vực Phú Lộc - Nam Đông khẳng định, đơn vị này chỉ quản lý công tác thuế của 3 mỏ được cấp quyền khai thác khoáng sản tại huyện Phú Lộc, nhưng không có mỏ nào được cấp cho Công ty TNHH Xây dựng công trình Thành Tâm Phát tại xã Lộc Bổn và doanh nghiệp này cũng chưa từng nộp tiền thuế khai thác khoáng sản.
(Còn tiếp)