Đất Sen Hồng vượt sóng vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã kiểm soát được Covid-19, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, có nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.

Năm qua, Đồng Tháp và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Ông đánh giá những kết quả đạt được của công tác này ra sao?

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Có thể khẳng định, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian qua của Đồng Tháp đã đúng hướng, phù hợp với mục tiêu mà tỉnh đã đề ra trong từng thời điểm cụ thể. Đồng Tháp đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới; nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19 được tỉnh ưu tiên, không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hiếm trang thiết bị, vật tư y tế, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, hạn chế tử vong do Covid-19.

Mặc dù bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức khá so với khu vực (đứng thứ 6 trong khu vực ĐBSCL và là mức khá so với cả nước); GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,44 triệu đồng (tương đương 2.412 USD); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020); kim ngạch xuất khẩu tăng 12%, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến tỉnh khảo sát và tìm hiểu như Novaland, T&T, Everland... Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên 20 dự án. Kết quả này đạt được nhờ sự cố gắng không mệt mỏi và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Đồng Tháp.

Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới là nhiệm vụ trọng tâm của Đồng Tháp trong thời gian tới. Thưa ông, đâu là những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh để ổn định và duy trì thích ứng an toàn với Covid-19?

Hiện nay, tuy tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhưng tỉnh vẫn tập trung, nỗ lực cao nhất cho phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Để khôi phục kinh tế nhanh và bền vững, tỉnh đã thành lập Ban Nghiên cứu đánh giá tác động của Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp để phân tích, đánh giá, đưa ra định hướng, tầm nhìn chiến lược nhằm phấn đấu hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Để đạt được mục tiêu đề ra, điều kiện tiên quyết là phấn đấu nhanh nhất việc bao phủ vắc-xin cho người dân. Đồng Tháp đang thực hiện rất tốt vấn đề này, tỷ lệ người dân trong độ tuổi được tiêm chủng 2 liều vắc-xin đạt gần 100%, tỉnh đang triển khai kế hoạch tiêm mũi bổ sung, đồng thời triệt để áp dụng các giải pháp thông tin và truyền thông để nâng cao ý thức phòng ngừa dịch Covid-19 cho người dân.

Song song đó, tỉnh tập trung triển khai các chương trình khôi phục và phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2021, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn Đồng Tháp đã cơ bản khôi phục tốt (trên 95%). Tỉnh cũng tạo thuận lợi cho các dự án đã hoàn thành sớm đi vào hoạt động.

Nhằm tạo sức bật và cơ hội mới, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nhằm sớm khôi phục và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Trước mắt, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song tôi có niềm tin, với những kinh nghiệm được rút ra từ cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua, đặc biệt là sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, Đồng Tháp sẽ vững vàng cùng cả nước chuyển sang trạng thái mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và tin tưởng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra. Quyết tâm này thể hiện rất rõ qua phương châm hành động năm 2022 của tỉnh là: “Thích ứng nhanh nâng tầm vị thế, đất sen hồng vượt sóng vươn xa”.

Thưa ông, Đồng Tháp có những giải pháp đột phá nào để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2025?

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Đồng Tháp đã đề ra 5 đột phá chiến lược để phát triển, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế số.

Cụ thể, Đồng Tháp sẽ đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có; đầu tư xây dựng các tuyến đường mới, phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Đồng Tháp sẽ tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc, phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái. Song song đó, tập trung phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, thu hút đầu tư cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Huy Tự (thực hiện)
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục