Đặt ở đâu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam?

(ĐTCK) Ðặt trụ sở ở đâu là một mối quan tâm của dư luận, nhưng câu chuyện cốt lõi để thị trường vận hành hiệu quả là TTCK Việt Nam phải xây dựng được nền tảng pháp lý và hệ thống công nghệ có sức cạnh tranh quốc tế.
Đặt ở đâu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam?

Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/8/2019 cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã đi đến thống nhất quan điểm: Việt Nam sẽ chỉ có 1 Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) tổ chức giao dịch cho toàn thị trường. Tuy nhiên, Sở duy nhất này sẽ đặt trụ sở ở đâu, lại là câu chuyện còn nhiều ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, Sở GDCK Việt Nam sẽ được đặt ở Hà Nội để phù hợp với việc quản lý, điều hành, giám sát, ứng phó với các tình huống bất thường.

Trước đó, ngày 7/1/2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 32/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Sở GDCK Việt Nam được thành lập theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM.

Theo Quyết định số 32 thì Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP.HCM sẽ chuyển thành 2 công ty con, 100% vốn của Sở GDCK Việt Nam và như vậy, Việt Nam sẽ có 3 Sở GDCK cùng tồn tại, gồm Sở mẹ và 2 Sở con.

Tuy nhiên, cuộc họp ngày 12/8/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có quan điểm khác. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam chỉ nên có 1 Sở GDCK, đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Việt Nam chỉ nên có 1 Sở GDCK và việc chọn trụ sở cho Sở duy nhất này cần linh hoạt, không nhất thiết đặt tại Thủ đô.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và TTCK Trung Quốc cũng không chọn Thủ đô làm nơi đặt trụ sở của Sở GDCK và đây là điều Việt Nam phải nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quang Hiển cũng chung quan điểm: Việt Nam chỉ nên có 1 Sở GDCK và Sở cần đặt ở Trung tâm tài chính quốc gia.

Thực tế, với 64 tỉnh thành trên cả nước, Hà Nội và TP. HCM luôn là hai thành phố có sự tập trung tài chính vượt trội và lớn nhất, nhưng TP. HCM hay Hà Nội, địa phương nào sẽ trở thành là trung tâm tài chính quốc gia thì lại chưa rõ ràng.

Tại Hà Nội, định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2020 tại Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước.

Trong khi đó tại TP.HCM, từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về Thành phố đã xác định việc xây dựng và phát triển TP. HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và từng bước thành trung tâm tài chính của khu vực (ASEAN).

Ðiều đáng tiếc, như chia sẻ của ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, là cho đến nay, mọi ý tưởng xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính vẫn còn dang dở, thậm chí vai trò của TP.HCM còn giảm dần xét về quy mô thị trường tài chính so với cả nước như tổng vốn huy động qua định chế tài chính trên địa bàn TP.HCM giảm từ 40% những năm 2000 xuống còn 24% trong năm 2018, xếp sau Hà Nội là 34%. 

“Ý tưởng xây TP.HCM thành trung tâm tài chính theo định hướng của Bộ Chính trị đến năm 2020 ít được nhắc đến trong những năm gần đây và càng mờ nhạt về phương diện chính sách nếu Chính phủ quyết định đặt Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại Hà Nội”, ông Lịch nhận xét tại Hội thảo Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới tổ chức ngày 17/7/2019 vừa qua.

Nêu tiếng nói của TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Thành phố quyết tâm xây dựng Ðề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới đạt chất lượng để trình ra Trung ương và đến tháng 10, sẽ phải trả lời được câu hỏi có làm được hay không. Cũng theo Bí thư Thành ủy thì TP. HCM còn 2 năm nữa để xây dựng đề án trình lãnh đạo Thành phố và Trung ương thông qua.

“Sẽ không có cơ hội nữa sau lần thứ hai này. Dù đề án đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng có thể khẳng định sự cần thiết phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vưc và thế giới, vì cả nước”, ông Nhân nói.

Nhìn rộng ra có thể thấy, New York, Luân Ðôn, Tokyo, Hồng Kông, Singapore… là những cái tên đã được định danh là trung tâm tài chính quốc tế bởi dòng tài chính chu chuyển qua các thị trường tại đây ghi nhận những con số lớn vượt trội. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học, công nghệ, khái niệm về trung tâm tài chính khu vực và thế giới đang nghiêng về hệ sinh thái tài chính, chứ không đơn thuần là một địa điểm, một tòa nhà hay một trung tâm riêng lẻ.

Các thị trường phát triển đi trước đã sớm nhận ra vấn đề này nên trên thế giới chuyện các Sở GDCK hợp nhất để tạo nên những hệ sinh thái hiệu quả hơn, thuận lợi hơn cho dòng chu chuyển vốn đã trở thành phổ biến. Tại Nhật Bản, Sở GDCK Tokyo và Sở GDCK Osaka đã hợp nhất vào năm 2013, hình thành Tập đoàn Sở GDCK Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, năm 2005, Sở GDCK Hàn Quốc được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở GDCK Hàn Quốc với thị trường Kosdaq và thị trường Kofex. Tại Singapore, trước năm 1999, quốc gia này có 3 Sở giao dịch, nhưng sau đó cũng hợp nhất lại để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Tại Malaysia, TTCK chỉ có duy nhất 1 Sở GDCK…

Vậy tại Việt Nam thì sao? Trong khi Hà Nội và TP.HCM chưa thành phố nào khẳng định rõ vai trò là trung tâm tài chính quốc gia/khu vực và chưa thấy rõ con đường trở thành trung tâm tài chính quốc gia/khu vực, thì trụ sở chính của Sở GDCK Việt Nam sẽ đặt ở đâu là câu hỏi ngỏ.

Nhìn từ sự vận động của các Sở GDCK quốc tế cho thấy, việc thống nhất mô hình Việt Nam chỉ có 1 Sở GDCK và định danh quan điểm này trong Luật Chứng khoán là một quyết sách hợp với mong mỏi của nhiều thành viên thị trường, mong đơn giản hóa mô hình tổ chức, vận hành thị trường, tiết giảm chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Ðặt trụ sở ở đâu là một mối quan tâm của dư luận, nhưng câu chuyện cốt lõi để thị trường vận hành hiệu quả là TTCK Việt Nam phải xây dựng được nền tảng pháp lý và hệ thống công nghệ có sức cạnh tranh quốc tế. Riêng về hệ thống công nghệ, đây vẫn là một bài toán còn dang dở từ năm 2012.

Gói thầu 04 theo sự hợp tác với Sở GDCK Hàn Quốc nhằm trang bị hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ và tích hợp cho toàn bộ TTCK Việt Nam vẫn chưa hoàn thành.

Ðặt ở đâu Sở GDCK Việt Nam? Câu hỏi ở tầm quốc gia, nhưng sẽ tiếp tục gây hồi hộp cho nhiều thành viên thị trường và hàng ngàn nhân sự làm việc trong ngành chứng khoán, khi xem xét mối tương quan giữa Ssở GDCK TP.HCM và Sở GDCK Hà Nội sau gần 20 năm vận hành của TTCK Việt Nam.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục