Gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, sự phục hồi kinh tế đến nay vững chắc hơn, song vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong trung hạn và dài hạn.
Trong tiến trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lợi ích của tăng trưởng và phát triển công nghệ chưa lan tỏa đồng đều.
Tuy nhiên, với nguồn lực và tiềm năng to lớn về kinh tế, văn hóa, lịch sử, tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên con người, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước triển vọng tươi sáng.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt trong Năm APEC 2017, Việt Nam đã cùng các nền kinh tế thành viên xây dựng, triển khai nhiều nội dung hợp tác thiết thực cho người dân và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế mạng, phát triển bao trùm về tài chính, kinh tế và xã hội. Mục tiêu xuyên suốt là nỗ lực cùng nhau đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình, một mắt xích quan trọng trong mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do.
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch.
Chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao thượng tôn pháp luật...
(Trích phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm 2017)