Đặt mục tiêu năm 2022 xử lý 2 ngân hàng yếu kém, 5 dự án thua lỗ

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tuần này.
Phiên họp sáng 8/11 của Quốc hội. Phiên họp sáng 8/11 của Quốc hội.

Năm 2022 quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, trong đó phấn đấu xử lý ít nhất 2 ngân hàng thương mại yếu kém và ít nhất 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ.

Đó là nội dung được thể hiện tại dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vừa được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, khi Quốc hội bắt đầu thảo luận trực tiếp về nội dung này, trong hai ngày 8 và 9/11.

Xây dựng Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19

Theo dự thảo này, được đặt lên đầu tiên trong mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong các chỉ tiêu chủ yếu được xin ý kiến, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn được xác định đạt khoảng 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%. ...

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, dự thảo nghị quyết yêu cầu tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Chính phủ và các cơ quan liên quan được giao xây dựng, triển khai toàn diện, hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, trên cơ sở đánh giá, tổng kết toàn diện công tác phòng, chống dịch thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước để tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.

Dự thảo cũng yêu cầu thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành các chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, lao động, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư.

Bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ tình hình phát sinh nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá, trốn thuế, chống gian lận thương mại, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội; thống nhất quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022.

Tại dự thảo, Quốc hội cũng yêu cầu ưu tiên công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tăng cường chất lượng, hiệu quả việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số cũng là nhiệm vụ lớn được nêu tại dự thảo.

Ở nhiệm vụ này, Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thành phê duyệt và quyết liệt triển khai đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh. Khẩn trương thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; tập trung phát triển sản phẩm quốc gia.

Yêu cầu tiếp theo là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả, trong đó phấn đấu xử lý ít nhất 2 ngân hàng thương mại yếu kém và ít nhất 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ.

Dự thảo cũng nêu yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, kiểm soát bội chi và lạm phát. Đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ bảo đảm khai thác hiệu quả không gian tăng trưởng mới theo hướng bền vững, phát triển xanh dựa trên đổi mới sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia. Cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch…; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch, dự thảo nêu.

Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội là nhiệm vụ tiếp theo được nêu tại dự thảo.

Tại đây, Quốc hội yêu cầu lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là phương thức đối tác công tư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (hoàn thành một số dự án thành phần: Cam Lộ - La Sơn; Dầu Giây - Phan Thiết; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - Quốc lộ 45); dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Khẩn trương khắc phục những bất cập, hạn chế, chậm trễ trong chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn; sớm trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Bảo đảm tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình phục vụ giải tỏa công suất phát của các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời). Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam cho giai đoạn mới. Nghiên cứu, phát triển các giải pháp xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả.

Dự thảo cũng giao Chính phủ khẩn trương triển khai các dự án hạ tầng nền tảng số quốc gia dùng chung. Khuyến khích các doanh nghiệp nòng cốt về công nghệ thông tin mở rộng đầu tư sang các ngành công nghiệp và dịch vụ nội dung số, như: công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp an toàn, an ninh mạng; công nghiệp Internet vạn vật…

Đầu tư hạ tầng các khu kinh tế ven biển để tạo động lực cho phát triển. Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi, cảng cá, trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão; các dự án chống sạt lở do biến đổi khí hậu. Quan tâm hoàn thiện hạ tầng văn hóa, xã hội bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Khuyến khích phát triển đa dạng loại hình phân phối hiện đại với các mô hình hoạt động, phương thức thanh toán tiện ích, văn minh để cung cấp hàng hóa chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, giá cả cạnh tranh cho Nhân dân.

Theo chương trình kỳ họp, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ được thông qua vào cuối tuần này. Góp ý của đại biểu vào dự thảo nghị quyết là cơ sở để hoàn thành báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi đại biểu bấm nút.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục