Tất cả cùng quyết tâm, sẽ đáp ứng tiến độ
Ngày cuối cùng của tháng 2/2022, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong tiến độ chung về tổ chức thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực - chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội đương nhiệm - thì đây có thể coi là một “lực đẩy” cần thiết.
Kết quả đó cũng góp phần minh chứng cho nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với Đoàn giám sát của Quốc hội cuối tuần qua là, nếu tất cả cùng quyết tâm, thì sẽ đáp ứng được tiến độ, bởi Chính phủ đã rất quyết liệt và Quốc hội cũng đã ra tay gỡ khó.
Trở lại quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt, trong báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi công bố quy hoạch này, từ tháng 3 đến tháng 6/2022, sẽ tổ chức một số hội thảo tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ về các mô hình, công cụ hỗ trợ lập quy hoạch cho các bộ, ngành, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong vùng, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, dự kiến trình phê duyệt trong tháng 5/2022.
Đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cập nhật tiến độ quy hoạch các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ. Theo đó, dự kiến tháng 10 đến tháng 11/2022 hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng Thẩm định và tháng 12/2022 trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Với quy hoạch tỉnh, bên cạnh quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt và quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt, với các tỉnh còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tham mưu Chính phủ một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ. Đó là tiếp tục rà soát, tổng hợp những nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch còn chồng chéo, chưa thống nhất để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp, nhằm hoàn thiện quy định lập quy hoạch, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ khẩn trương ban hành báo cáo định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng để các địa phương tham khảo trong quá trình lập quy hoạch tỉnh.
Về tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sẽ hoàn thành và trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ tư (tháng 10 -11/2022), sớm hơn so với quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP là 6 tháng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bù lại thời gian do khởi động chậm so với các mốc tiến độ quy định tại Quyết định số 203/QĐ-HĐQHQG.
Tránh sao chép, nhân bản
Với trách nhiệm là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, tại buổi làm việc nào của Đoàn giám sát với các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có lãnh đạo góp mặt, tham gia giải trình khi được yêu cầu. Bởi như lãnh đạo Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh, rõ nguyên nhân, rõ trách nhiệm, thì mới có thể đưa ra giải pháp đúng.
Trực tiếp có mặt tại buổi làm việc cuối cùng, kết thúc đợt làm việc trực tiếp với 6 bộ của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhìn nhận thẳng thắn về nguyên nhân khiến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và tỉnh đều chậm so với yêu cầu.
Ông nói: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện Luật Quy hoạch đến nay tương đối đầy đủ, đồng bộ, vì thế trách nhiệm trước hết là do khâu tổ chức thực hiện. Luật Quy hoạch không có tội”.
Từ những vấn đề được nêu tại báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc đánh giá xem có cần sửa đổi Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn không, nếu có thì sửa đổi như thế nào. Về đánh giá trách nhiệm, cũng cần cụ thể hóa hơn nữa, phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương, bởi “nếu chỉ dồn cho một mình Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chưa đúng và chưa đủ”.
Thể hiện sự sốt ruột khi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã bước vào năm thứ hai mà hầu hết các quy hoạch cơ bản chưa hoàn thành, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải xác định giải pháp then chốt, căn cơ để có kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ, bởi đến ngày 31/12/2022 phải hoàn thành, mà nay đã gần hết quý I/2022.
“Khối lượng công việc rất lớn, sức ép về tiến độ rất lớn, bảo đảm tiến độ nhưng chất lượng phải được đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Đức Hải đặc biệt lưu ý. Trong bối cảnh nhân lực thiếu và yếu như lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần “hết sức lưu ý sao chép quy hoạch, hoặc nhân bản quy hoạch có thể xảy ra”.
Với quan điểm lấy chất lượng làm đầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề xin Quốc hội giãn tiến độ một số quy hoạch lớn, quan trọng mang tính dẫn dắt, như quy hoạch tổng thể quốc gia hay một số quy hoạch vùng, để có điều kiện nghiên cứu kỹ hơn, bảo đảm chất lượng tốt hơn.
Chia sẻ với nhiệm vụ nặng nề của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác quy hoạch, trong khi nhiệm vụ của Bộ với việc triển khai gói kích thích kinh tế, kế hoạch đầu tư công là rất lớn, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu cần điều chỉnh thì phải giải trình cho rõ, báo cáo lại Quốc hội.
Trưởng đoàn giám sát cũng cho biết, tuần này, Đoàn giám sát tiếp tục làm việc với một số địa phương, trong đó có 2 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội trước khi làm việc với Chính phủ vào cuối tháng 3/2022. Trong quá trình này, những khó khăn, vướng mắc sẽ tiếp tục được nhận diện, bàn thảo để đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng quy hoạch được đặt lên hàng đầu.
Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là kiểu mẫu quy hoạch tích hợp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản khắc phục những hạn chế của quy hoạch thời kỳ trước; xử lý các xung đột trong phương hướng phát triển của các ngành trong vùng và giải pháp để đảm bảo liên kết vùng. Đây là bản quy hoạch kiểu mẫu trong việc xây dựng quy hoạch tích hợp, tổ chức không gian phát triển, đổi mới phương pháp lập quy hoạch và nội dung quy hoạch; tham vấn rộng rãi, nhiều vòng với các địa phương trong vùng, các chuyên gia, nhà khoa học..., đồng thời ghi nhận năng lực của đơn vị tư vấn nước ngoài và đánh giá tốt chất lượng sản phẩm của đơn vị tư vấn đến thời điểm hiện tại.